Bức tranh ngành hàng không Việt Nam trước thời điểm quyết phương án giải cứu Vietnam Airlines

Chiều nay 17/11, Quốc hội sẽ biểu quyết giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Bức tranh ngành hàng không Việt Nam trước thời điểm này không mấy tươi sáng khi các hãng bay đều chìm trong thua lỗ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ba hãng hàng không và những khoản lỗ nghìn tỉ

Hết quí III/2020, dù cơ bản đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều nhóm ngành ghi nhận tình hình kết quả kinh doanh khởi sắc so với hai quí trước đó, nhưng nhóm ngành hàng không thì ngược lại.

Ba hãng bay hàng đầu Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways vẫn ghi nhận những khoản lỗ khổng lồ.

Ba 'trụ cột' ngành hàng không Việt Nam lỗ hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều máy bay Vietnam Airlines phải nằm chờ. (Ảnh minh họa: Dân trí).

Theo Zing, báo cáo tài chính quí III/2020 cho biết, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.676 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp ghi nhận lỗ 890 tỉ đồng. Con số này thổi bay thành quả tổng lợi nhuận 10.380 tỉ đồng của hãng trong 5 năm 2015 - 2019. 

Về nguồn vốn, tại thời điểm 30/9/2020, tiền gửi ngắn hạn của Vietnam Airlines giảm mạnh từ 3.579 tỉ đồng, xuống còn 656 tỉ đồng, trong khi khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hiện ở mức 11.684 tỉ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm.

Để có mức lỗ nhỏ hơn 13.000 tỉ đồng năm 2020, trong suốt 10 tháng qua, doanh nghiệp tập trung nhiều giải pháp tăng doanh thu, cắt giảm chi phí và liên tục làm việc với các chủ nợ để bàn cách giãn, hoãn các khoản thanh toán...

Đến năm 2021, nếu thị trường quốc tế chưa phục hồi, Vietnam Airlines dự kiến lỗ từ 55 - 60 tỉ đồng, mức lỗ sẽ ngang năm 2020.

Suy thoái của ngành hàng không cũng tác động mạnh đến hãng bay giá rẻ Vietjet Air. TTXVN đưa tin về kết quả hợp nhất quí III ghi nhận doanh thu của hãng đạt 2.809 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỉ đồng. 

Luỹ kế 9 tháng năm nay, doanh nghiệp lỗ 924 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số lãi 3.680 tỉ đồng cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên, đây là mức tích cực hơn kế hoạch và rất khả quan so với các hãng hàng không trong nước và trên thế giới.

Đối với hãng hàng không Bamboo Airways, dù không có báo cáo tài chính chi tiết nhưng công ty mẹ FLC quí III/2020 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.346 tỉ đồng, giảm 33,8% so với quí III/2020. Giá vốn hàng bán vượt doanh thu khiến công ty lỗ gộp gần 327 tỉ đồng.

Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm nay, hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận lỗ 1.500 tỉ đồng, số liệu từ báo Tiền Phong cho biết.

Những giải pháp gỡ khó cụ thể từ Bộ GTVT

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hàng không, tại kì họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đang xem xét hỗ trợ các hãng hàng không theo hai nhóm.

Nhóm thứ nhất, liên quan đến trách nhiệm của Bộ GTVT, thời gian vừa qua, Bộ đã thực hiện 4 giải pháp để giúp các hãng hàng không.

Giải pháp đầu tiên, Bộ GTVT tăng cường các chuyến bay giữa các sân bay lẻ. Nếu các hãng hàng không đăng kí thì Bộ tạo mọi điều kiện để phát triển.

Thứ hai, Bộ GTVT làm việc với các hãng, các đơn vị, đặc biệt là Tổng Công ty ACV để giảm một số giá dịch vụ ở sân bay. Từ đó giảm chi phí cho các hãng hàng không.

Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề cập đến là Bộ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có các phương án kinh doanh mới. Ví dụ như Bamboo Airways đã mua tàu bay phản lực nhỏ để bay từ Hà Nội đến Côn Đảo.

Cuối cùng, Bộ đã điều chỉnh lại lịch bay của các hãng để các hãng đều được đối xử một cách công bằng, có điều kiện để kinh doanh, phát triển.

Nhóm giải pháp thứ hai liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, người đứng đầu Bộ GTVT cho hay, bộ này đã tham mưu đầy đủ đề xuất của các hãng hàng không cho Chính phủ. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách, chính sách. Dưới góc độ Bộ GTVT, ông Thể cũng đề xuất các ngân hàng hoãn, giãn nợ, đồng thời cho vay thêm để các hãng hàng không có điều kiện tái cơ cấu.

Trước đó chiều 12/11, Quốc hội có phiên thảo luận giải pháp gỡ khó cho Vietnam Airlines. Các giải pháp này sẽ nằm trong Nghị quyết kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, và được Quốc hội biểu quyết chiều nay 17/11.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.