30 năm sau cuộc hải chiến Gạc Ma | |
Những giọt nước mắt tại lễ Khánh thành khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Thân nhân 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma xúc động khi nhìn thấy di ảnh các anh trong Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: Khải An |
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm hải chiến Gạc Ma, ông Trương Văn Cảnh (anh trai của liệt sĩ Trương Văn Thịnh - người đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma) cùng nhiều người thân trong gia đình đã đi từ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thắp nén hương cho người em trai đã khuất của mình.
“Mẹ tôi 88 tuổi, bà đã già yếu không thể vào thăm em được nên dặn anh em chúng tôi khi đến khu tưởng niệm phải vào thắp ngay cho em nén nhang. Nhà tôi có 8 anh em, 7 trai và một gái, Thịnh là em thứ 6. Sự ra đi của Thịnh là mất mát lớn của gia đình. Từ ngày có khu tưởng niệm, gia đình tôi như được an ủi phần nào vì sự hi sinh của em và đồng đội đã được Tổ quốc ghi nhận, tôn vinh”, ông Cảnh bùi ngùi chia sẻ.
Anh trai của liệt sĩ Thịnh cho biết, ông và gia đình đã vào khu tưởng niệm 3 lần để thăm em. “Mỗi lần đi là một lần chúng tôi nhận thấy sự thay đổi nơi đây. Tôi nghĩ em tôi cũng hạnh phúc khi được ở cùng đồng đội tại khu tưởng niệm này”, ông Cảnh trải lòng.
Gia đình liệt sĩ Trương Văn Thịnh tại bia tưởng niệm. Ảnh: Khải An |
Cùng con gái thắp nén hương cho chồng là liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, người đã hi sinh anh dũng cùng tàu HQ 604 trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, bà Đỗ Thị Hà (50 tuổi, ngụ TP Cam Ranh) xúc động:
“Kể từ ngày anh Doanh hi sinh, tôi một mình nuôi con, vật vã lo toan cuộc sống. Điều mà tôi luôn chờ đợi là được có chồng bên cạnh dù đó chỉ là một nầm mồ. Mỗi lần Nhà nước thông báo tìm được một số hài cốt liệt sĩ ở Gạc Ma, là một lần mẹ con tôi được thắp lên niềm hi vọng...”.
Nén xúc động, bà Hà thổ lộ: “Từ khi khu tưởng tưởng niệm bắt đầu khởi công xây dựng, mẹ con tôi thường ghé thăm xem công trình đã hoàn thành chưa. Nhìn tượng đài uy nghi, cây cối xanh um lòng tôi ấm áp hơn rất nhiều, nỗi buồn cũng vơi bớt. Hơn hết, gia đình tôi có cảm giác được gần anh Doanh hơn”.
Cũng như gia đình ông Thịnh và bà Hà, những thân nhân của 64 chiến sĩ hi sinh để bảo vệ tổ quốc tại đảo Gạc Ma đều cảm thấy ấm lòng, xúc động khi đặt chân đến khu tưởng niệm.
Với họ, khu tưởng niệm không chỉ là một nơi để mọi người tôn vinh lòng dũng cảm của 64 chiến sĩ mà còn là nơi họ cảm thấy được gần hơn với người chồng, người cha, người con đã ngã xuống bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Bảo tàng ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: Khải An |
Ông Võ Duy Trúc – Trưởng ban Quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma cho biết, từ khi đi vào hoạt động (ngày 15/7/2017) đến nay đã có hơn 26.000 lượt khách tham quan. Cách đây không lâu Đảng ủy trường Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức lễ kết nạp 2 Đảng viên mới ngay tại Khu tưởng niệm.
Mới đây trường tiểu học Phước Tiến, TP Nha Trang đã tổ chức tuyên dương học sinh trước tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều đoàn là cựu chiến binh, công đoàn các tỉnh, thân nhân chiến sĩ Gạc Ma đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm.
“Có hai công ty du lịch đã đăng ký đưa khách đến tham quan thường xuyên, trong đó có tour dẫn đoàn khoảng hơn 1.000 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, TP HCM) đến tham quan, dâng hương và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”, ông Trúc cho biết.
Riêng ông Thái Cao Bình - cựu hải quân đơn vị 171 tàu 501, hiện đang làm bảo vệ khu tưởng niệm nhận định Khu tưởng niệm gây xúc động cho thân nhân, đồng đội của 64 chiến sĩ
“Sau khi thăm khu tưởng niệm và thắp hương cho các chiến sĩ hi sinh, nhiều người đã đến đây ghi sổ kỷ niệm hoặc trò chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện, tôi cảm nhận được sự xúc động của họ. Đặc biệt là thân nhân và những người trong quân ngũ”, ông Bình chia sẻ.
Đoàn học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) chụp ảnh lưu niệm tại khu tưởng niệm. Ảnh: Khải An |
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, sau khi Sở đi khảo sát, đánh giá các điểm tham quan du lịch mới trên địa bàn tỉnh đã nhận định Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đủ tiêu chuẩn trở thành một điểm tham quan du lịch mới.
“Với ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma chắc chắn sẽ là một địa chỉ du lịch có sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước. Hiện Sở đã có văn bản gửi LĐLĐ tỉnh (đơn vị quản lý Khu tưởng niệm) để xin ý kiến, nếu được thông qua Sở sẽ có văn bản gửi các công ty lữ hành để chính thức đưa vào tour tham quan”, vị PGĐ Sở Du lịch cho hay.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc khu 2 - Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm). Khu tưởng niệm gồm 2 phần chính: Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm. Cụm tượng giữa “vòng tròn bất tử” cao 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Bảo tàng ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ… Hệ thống cây xanh, thảm cỏ và ánh sáng được chăm chút kỹ lưỡng. |
Gạc Ma – vòng tròn bất tử giữa lửa đạn
Dưới làn đạn của quân thù, Thiếu úy Phương cùng 63 đồng đội khác của Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi ... |