Kì vọng của doanh nghiệp Việt ở gói hỗ trợ chính sách lần 2

Liên quan đến gói hỗ trợ chính sách lần hai, các doanh nghiệp kì vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là các gói: giảm chi phí sản xuất, tạm dừng đóng BHXH, giảm tiền thuê đất.

Ngày 15/10, trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế".

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày nghiên cứu: "Đánh giá tác động của Covid-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó với Covid-19 đối với các doanh nghiệp".

Doanh nghiệp Việt Nam kì vọng gì ở gói hỗ trợ chính sách lần 2? - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế" được tổ chức sáng 15/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Anh Đào).

Doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ

Theo PGS.TS Bùi Đức Thọ, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổng cục Thống kê, thực hiện điều tra ở Hà Nội, TP HCM và Thanh Hóa (mỗi thành phố, tỉnh thực hiện trên 150 doanh nghiệp).

6 ngành được điều tra gồm du lịch, lưu trú, ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; logistic; dệt may; công nghệ thông tin.

Theo kết quả khảo sát, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Không tương xứng với tỉ trọng 40% doanh nghiệp phải cắt giảm qui mô, tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.

Có nhiều lí do dẫn đến việc các doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ, chủ yếu là không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có thông tin về chính sách, qui trình, thủ tục phức tạp, thông tin không minh bạch.

Về thực trạng nhận các gói hỗ trợ, tỉ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin là ngành ít nhận được hỗ trợ nhất. Tỉ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.

Trong các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế. Các gói hỗ trợ khác tỉ lệ tiếp cận thấp, đáng chú ý có hai gói hỗ trợ không có doanh nghiệp nào tiếp cận được, là "vay không cần tài sản thế chấp đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động" và "đơn giản hóa thủ tục hành chính, gia hạn nộp thuế cho hoạt động xuất, nhập khẩu".

Doanh nghiệp Việt Nam kì vọng gì ở gói hỗ trợ chính sách lần 2? - Ảnh 2.

Trong các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế. Các gói hỗ trợ khác tỉ lệ tiếp cận thấp.

Các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kì vọng như hỗ trợ chi phí logistic, cải cách thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp được khảo sát cũng đưa ra phản hồi về các gói hỗ trợ. Cụ thể, tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu thời hạn trả nợ và vay không cần tài sản thế chấp.

Nhiều doanh nghiệp kì vọng về chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất

Doanh nghiệp Việt Nam kì vọng gì ở gói hỗ trợ chính sách lần 2? - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp được khảo sát nêu kì vọng về gói hỗ trợ chính sách lần 2, theo đó các chính sách được kì vọng lớn gồm: giảm chi phí sản xuất, tạm dừng đóng BHXH, giảm tiền thuê đất.

Liên quan đến gói hỗ trợ chính sách lần hai, các doanh nghiệp kì vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là các gói: giảm chi phí sản xuất, tạm dừng đóng BHXH, giảm tiền thuê đất.

Theo PGS.TS Bùi Đức Thọ, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra các khuyến nghị cụ thể. Theo đó, cần hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tập trung hơn vào các giải pháp như nới lỏng điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi, miễn giảm thuế, phí, giảm phí BHXH, giảm các chi phí hạ tầng.

Các hình thức hỗ trợ cần phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Tuy nhiên, cần ưu tiên hơn nữa các doanh nghiệp có qui mô nhỏ và vừa bởi các doanh nghiệp này có khả năng chống chịu tương đối kém.

Ngoài ra, cũng cần phân loại, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp để hỗ trợ, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch.

Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ. Một số ngành khác vẫn có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Vì vậy, cần tránh hiện tượng trục lợi chính sách và rủi ro đạo đức.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị kéo dài thời gian gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn các khoản được giãn, hoãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.

Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục, cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Đồng thời, cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và qui trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là về thủ tục chứng minh tài chính.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.