'Kịch bản' nào cho BOT T2 sau khi thông xe cầu Vàm Cống?

Với trạm thu phí BOT T2, người dân rất “tâm tư”, bởi phần gốc của vấn đề vẫn là tính minh bạch và lẽ công bằng.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã nêu rõ những ý kiến của người dân về những bất hợp lý khi đặt trạm thu phí BOT T2. Đã có nhiều văn bản kiến nghị từ các hiệp hội vận tải cũng như ý kiến không đồng tình của các chuyên gia, địa phương xung quanh vấn đề này.

Ngày 23/5, Tổng cục Đường bộ đã họp với Sở GTVT các địa phương An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ để tháo gỡ các vướng mắc tại trạm thu phí T2. Mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo cho xả trạm T2 để tiến hành rà soát, xem xét việc miễn, giảm phí mới cho người dân tỉnh Đồng Tháp; tiếp tục xem xét các trường hợp được miễn, giảm của người dân tỉnh An Giang và TP Cần Thơ. Vậy “Kịch bản” nào cho BOT T2 khi đã thông xe cầu Vàm Cống?

Kịch bản nào cho BOT T2 sau khi thông xe cầu Vàm Cống? - Ảnh 1.

Trạm T2 lại phải dừng thu phí, để tiến hành kiểm đếm phương tiện.

Trạm thu phí BOT T2 Cần Thơ đã tạm ngưng thu phí từ ngày 25/5 vừa qua. Việc tạm dừng thu phí trạm BOT T2 với lý do để thống kê xe qua trạm nhằm thực hiện chính sách miễn giảm sẽ chỉ tạm thời làm giảm “sức nóng”. Tuy nhiên, với trạm thu phí BOT T2, người dân rất “tâm tư”, bởi phần gốc của vấn đề vẫn là tính minh bạch và lẽ công bằng.

Về phía tỉnh An Giang, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Trí nêu rõ hiện nay, kinh tế An Giang vẫn còn khó khăn. Thế nhưng với trạm T2, liên tục có những phản ứng của lái xe, mà những xe này thuộc trong Hiệp hội, xe của các công ty và cả xe của tư nhân. Vì vậy, theo ông Trí, những giải pháp để xử lý, tạo một đồng thuận thì cần phải được xem xét lại một cách thấu đáo.

“Chúng tôi đề xuất một giải pháp đơn giản là: Những xe từ kiên Giang, xe từ cầu Vàm Cống rẽ xuống để về An Giang sẽ phát một cái thẻ, khi tới trạm T2 thì họ sẽ trả thẻ và mua vé 2.000 đồng, tương đương với 300m đường. Đối với xe đi hướng đi cầu Vàm Cống hoặc đi về Cần Thơ, thì có 2 phương án: Bán vé 2.000 đồng, nếu họ đi Kiên Giang, Cầu Vàm Cống thì đi tự do. Còn xe đi về Cần Thơ, khi xuống tới trạm T1 thì họ mua tiếp một vé 33.000 đồng vậy là đủ 35.000 đồng, đó là phương án một”, Giám đốc Sở GTVT An Giang nói.

"Vị trí đặt trạm T2 có bất hợp lý?"

Xin nhắc lại cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn thuộc địa phận TP Cần Thơ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án do liên doanh Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) và Công ty CP Phát triển Cường Thuận Idico (được Bộ GTVT chỉ định) làm nhà thầu. Đầu năm 2016, dự án hoàn thành và trạm thu phí T1 được đặt tại Km 16+905 QL91 để hoàn vốn. 

Cùng với đó, năm 2015, cũng liên doanh này tiến hành khởi công dự án tăng cường 15 km mặt đường QL91B theo hình thức BOT. Cuối năm 2016, khi dự án này hoàn tất, Bộ GTVT có quyết định lập trạm thu phí T2 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.

Tổng mức đầu tư hai dự án nâng cấp QL91 và QL91B nói trên là trên 1 ngàn 700 tỷ đồng. Mức phí ở hai trạm này thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng/lượt xe.

Từ khi đi vào khai thác, trước sự bất hợp lý của trạm BOT T2, đầu tháng 12/2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Tuy nhiên, đến nay, cầu Vàm Cống đã khánh thành, nhưng trạm T2 vẫn nằm ở vị trí cũ.

Kịch bản nào cho BOT T2 sau khi thông xe cầu Vàm Cống? - Ảnh 2.

Trạm thu phí BOT T2 Cần Thơ đã tạm ngưng thu phí từ ngày 25/5 vừa qua.

Ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ nêu rõ: “Cần Thơ đang quyết một việc liên quan đến địa bàn liên tỉnh. Về mặt pháp lý, việc quyết của HĐND Cần Thơ rất đúng, nhưng ở vị trí giáp ranh như vậy thì nó là thủ thuật. Việc đặt trạm như vậy đúng là để tận thu. Giờ có thêm cầu Vàm Cống thì lộ ra quá rõ bất hợp lý. Chủ trương là Cầu Vàm Cống không thu phí, nhưng người dân lại bị thu phí bởi cái trạm BOT T2. Cái này sai phải sửa. Về cơ bản là đặt trạm không đúng. Không vì như thế mà bàn giảm giá như thế này thế kia. Phải đặt làm sao để khi người ta qua cầu thì thong thả, tự nhiên”.

Còn về phía đơn vị quản lý trạm BOT T2 này, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang, cho rằng, quy định về vị trí đặt trạm, mức thu, hình thức miễn giảm là thẩm quyền của Chính phủ và Bộ GTVT, công ty chỉ là “đơn vị thừa hành”. Chính vì vậy, trạm BOT T2 vẫn tiếp tục thu phí và thực hiện miễn, giảm cho các phương tiện qua trạm theo hướng dẫn của Bộ GTVT.

“Cầu Vàm Cống được khánh thành thì phát sinh thêm tỉnh Đồng Tháp, Tổng cục đường bộ cũng thống nhất với tỉnh Đồng Tháp là tỉnh sẽ rà soát và có văn bản đề xuất, trên cơ sở đề xuất thì Tổng cục đường bộ sẽ có văn bản chấp thuận và sẽ triển khai thực hiện. Tôi nghĩ là tiêu chí giảm giá tạo điều kiện cho bà con, thì chủ đầu tư luôn ủng hộ tiêu chí mà Chính phủ và bộ GTVT đưa ra. Như vậy thì phải trên cơ sở tiêu chí của Bộ đưa ra là đối tượng nào được giảm thì các địa phương đề xuất, Bộ và Tổng cục đường bộ duyệt, lúc đó là cơ sở để chúng ta thực hiện”, ông Khang nói.

"Cần tìm giải pháp thỏa đáng cho trạm BOT T2"

Có thể thấy, quan điểm của Bộ GTVT và của chủ đầu tư dự án đến thời điểm này là không dời trạm. Bởi trước đó, tại cuộc họp giữa Tổng cục Đường bộ với các địa phương có liên quan diễn ra, đã cho rằng, việc di dời Trạm T2 là không khả thi, tốn kém mà chỉ thực hiện việc miễn giảm. Và mới đây, trước sự phản đối quyết liệt của tài xế, trạm T2 lại phải dừng thu phí, để tiến hành kiểm đếm phương tiện, thực hiện cho việc giảm giá tiếp theo.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Việc đặt thêm trạm, thu phí kiểu này gây tăng thêm chi phí của người dân không đáng có. Từ đó, gây ra tâm lý bất bình trong dân. Tôi thấy người dân có ý kiến như thế là đúng. Tôi không biết phải đặt trạm này như thế nào nhưng đừng để người dân nghỉ rằng mình bị móc túi oan. Đặt như hiện nay là móc túi người dân oan”.

Được biết, trong cuộc làm việc gần đây với Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm giải quyết triệt để vấn đề trạm BOT T2 để hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự.

Vấn đề đặt ra là không để trạm BOT T2 nói riêng, các trạm BOT khác nói chung trở thành “điểm nóng” bất ổn, gây xáo trộn về xã hội và gây mất an ninh trật tự; đồng thời giảm sức thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của các địa phương. Đây là bài học kinh nghiệm, song cũng cần làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương, bởi người dân có quyền đặt câu hỏi về tầm nhìn trong quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông và việc có hay không những “nhóm lợi ích” đứng sau các trạm thu phí BOT bị coi là đặt không đúng vị trí như hiện nay.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.