Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.
Văn bản do Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kí, cho biết các văn bản quy phạm pháp luật trên về tổng thể đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững hơn.
HoREA kiến nghị mức đặt cọc khi kí hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không quá 50 triệu đồng. (Ảnh: Internet).
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện đã bộc lộ khiếm khuyết, một số chế định không còn phù hợp hoặc cần được xây dựng mới.
Trong hàng loạt đề xuất, Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị bổ sung hành vi bị cấm vào Điều 8, của Luật Kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, HoREA kiến nghị không lập hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, hoặc sử dụng hình thức lập biên bản hoặc thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh; hoặc lập vi bằng thừa phát lại, để thực hiện giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai.
HoREA nói việc này là huy động vốn trái phép, trái với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
"Hiệp hội đề nghị bổ sung chế định về đặt cọc vào Điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản, với mức đặt cọc không quá 50 triệu đồng trước khi kí hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai", đề xuất của HoREA cho biết.
Theo ông Châu, quy định này sẽ khác với quy định của Bộ Luật Dân sự về giá trị khoản tiền đặt cọc do hai bên giao ước tự thỏa thuận. Điều này có thể khiến người mua bất động sản chịu thiệt thòi khi gặp phải các chủ đầu tư không uy tín.
"Luật kinh doanh Bất động sản không có quy định đặt cọc nên các đầu nậu, doanh nghiệp lách qua Luật Dân sự để không hạn chế về số tiền huy động. Đa số những trường hợp đặt cọc càng cao thì những dự án đó khách hàng thường 'ăn quả lừa'. Trong hợp đồng kinh doanh bất động sản, thanh toán đợt 1 không quá 30% giá trị hợp đồng cho nên đặt cọc không quá 50 triệu là hợp lý", ông Châu giải thích.
Ngoài ra, người đứng đầu HoREA cũng cho biết thêm việc quy định mức đặt cọc không quá 50 triệu để ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp, đầu nậu lợi dụng các chế định đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh của Bộ Luật dân sự, hoặc lập vi bằng thừa phát lại để huy động vốn trái phép đối với các khu đất phân lô bán nền hoặc dự án bất động sản hình thành trong tương lai, nhưng chưa đủ điều kiện huy động vốn.
Tuy nhiên, đề xuất này khiến các doanh nghiệp bất động sản không đồng tình. Theo lí giải của các doanh nghiệp, thỏa thuận đặt cọc mua bán mức bao nhiều là thỏa thuận dân sự giữa doanh nghiệp với khách hàng. Mức cọc cao quá thì khách hàng sẽ từ chối. Đề xuất mức cọc 50 triệu nếu áp cho các dự án có giá trị cao thì không hợp lí, không xứng đáng.