Kiến nghị xây dựng giá và chỉ số giá riêng cho đường cao tốc

Không ít nhà thầu tại các dự án cao tốc Bắc Nam gặp khó khăn, vướng mắc do phải đối mặt với các đợt tăng giá vật liệu và đang chờ sớm được tháo gỡ, điều chỉnh giá. Nhiều ý kiến cho rằng cần công bố chỉ số giá vật liệu sát thực tế và kịp thời.

Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ khó khăn về giá vật liệu, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng các dự án, tại tọa đàm về giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt "bão giá" do Báo Giao thông tổ chức vào 12/8, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến cho biết hiệp hội các nhà đầu tư có ý kiến về hướng dẫn kiểm tra, giám sát để địa phương công bố giá sát thực tế, vừa phù hợp thực tiễn và đảm bảo tính đầy đủ để áp dụng cho quản lý chi phí.

Hiện quy định pháp luật hiện hành đang giao trách nhiệm này cho địa phương. Ông cho rằng cần xây dựng giá và chỉ số giá cho đường cao tốc và đây là hướng đi quan trọng.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho biết vướng mắc hiện nay chưa giải quyết ngay là việc các địa phương công bố giá và chỉ số điều chỉnh chậm, gây khó khăn cho nhà thầu, trong bối cảnh giá vật liệu tăng mạnh.

Hiện nay việc công bố giá và chỉ số điều chỉnh giá được giao cho các địa phương, do đó, ông Chủng đề nghị Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải hỗ trợ để địa phương công bố sớm nhất.

Hiệp hội các nhà đầu tư cũng đặt vấn đề là nên có một chỉ số giá riêng cho hệ thống cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, 2.

Ông Chủng kiến nghị các bộ cần sớm thống nhất xây dựng bộ giá riêng cho đường cao tốc, có cơ chế đặc thù để bù giá, đây là thuốc tăng lực cho nhà thầu trong lúc khó khăn.

 Nhiều nhà thầu cao tốc Bắc Nam gặp khó do biến động giá nguyên vật liệu thi công. (Ảnh minh họa: VGP).

Là đơn vị thi công nhiều gói thầu cao tốc Bắc Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco 4 Lê Đức Thọ bày tỏ dịch bệnh và “bão giá” nhiên vật liệu đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hệ lụy để lại có thể khiến các doanh nghiệp “chết dần chết mòn,” không có sức để tái đầu tư về con người và máy móc, thiết bị.

Trước đây, một số địa phương bị chậm, như ở Thừa Thiên Huế năm 2021 mới chỉ có chỉ số giá của năm 2020, đến nay đã cải thiện hơn nhưng cũng bị chậm 4 tháng, mới đến quý I/2022. Các địa phương khác như Bình Thuận, Nghệ An đã ban hành đến tháng 7/2022.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là chỉ số giá được công bố chưa bù đắp được chi phí nhà thầu phải gánh thực tế. Lấy dẫn chứng, ông Thọ cho biết dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu tính toán trượt giá khoảng 23%, địa phương bù giá 11%, dự án Cam Lộ - La Sơn, bù giá chỉ tăng 0,3% nhưng nhà thầu tính toán thì trượt giá gần 10%.

Nguyên nhân là do công thức điều chỉnh giá hiện nay dùng theo chỉ số giá mà chỉ số giá lại theo dạng tổng hợp. Chưa kể, các địa phương đang tổng hợp và đưa ra chỉ số giá một số công trình chung trên địa bàn nhưng dự án cao tốc, tiêu chuẩn lại có nhiều nguồn vật liệu khác hẳn.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã có giải pháp quyết liệt, bắt đầu từ cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 đã đẩy giá vật liệu tăng cao, như giá thép, có thời điểm lên tới 40%.

Chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án công trình trọng điểm, ông Tuấn cho rằng các địa phương phải tiếp tục rà soát, công bố giá nguyên vật liệu kịp thời theo diễn biến thị trường; khảo sát kỹ thị trường để mức giá công bố phù hợp với biến động, đặc biệt cần phải để ý kỹ các vật tư, vật liệu phổ biến có tại địa phương để kịp thời rà soát, bổ sung danh mục.

Hiện tại có 44 địa phương công bố theo tháng; 19 địa phương theo quý. Tới đây, các địa phương còn lại cũng điều chỉnh công bố theo tháng hoặc theo diễn biến thị trường.

Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ để đưa vào kiến nghị lên Quốc hội để xem xét trường hợp bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản đối với tình hình tăng giá đột biến như hiện nay.

Nói thêm về xây dựng chỉ số giá đường cao tốc, Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức và Đơn giá, Cục Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng cho rằng  ngoài chỉ số giá theo quy định, chủ đầu tư cũng như nhà thầu khi ký hợp đồng đều có thể xác định chỉ số giá riêng cho các hợp đồng, phù hợp với đặc thù cũng như tiêu chí yêu cầu kỹ thuật, tỉ trọng của các loại vật liệu, nhân công thi công chính gói thầu tham gia.

Về đề xuất của Hiệp hội về xây dựng điều chỉnh giá cho các dự án đường cao tốc hoàn toàn có thể thực hiện được bằng các phương pháp hướng dẫn xây dựng chỉ số giá mà Bộ Xây dựng đã ban hành, công bố cũng như các yếu tố đặc thù từ thiết kế, phân các gói thầu thi công của từng công trình. Từ đó, xác định được các tỉ trọng chính xác, đảm bảo, phù hợp với gói thầu để xác định được chỉ số giá cho các gói thầu nhằm thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng cho phù hợp.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.