‘Bồi thường GPMB dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cần tính theo giá thị trường’

Đó là ý kiến góp ý của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.

Ngày 10/8, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng về việc tham gia ý kiến báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính tỉnh cho rằng cần tính toán lại số liệu có liên quan tại thời điểm gần nhất; phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cần tính toán theo giá thị trường.

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn để thuận tiện cho việc cân đối vốn.

Về vấn đề cân đối vốn cho dự án của ngân sách địa phương, theo Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, trong điều kiện địa phương phải đảm bảo 4.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022- 2025 thì khả năng đảm bảo vốn sẽ rất khó khăn. Mặt khác, dự án cũng cần thời gian để quyết toán công trình hoàn thành (18 tháng) mới thanh toán hết vốn.

Vì vậy Sở Tài chính đề xuất cho giãn tiến độ bố trí vốn sang giai đoạn sau (có thể đến năm 2027)

Sở này cũng cho biết chậm nhất ngày 17/8/2022, sau khi phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án giao thông, Sở Tài chính sẽ tính toán phương án tài chính trên cơ sở nguồn thu ngân sách địa phương và sau khi cập nhật số liệu có liên quan tại thời điểm gần nhất.

Sở Tài chính đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông báo số liệu mới về tổng mức đầu tư.

Hai đoạn cao tốc Tân Phú - Liên Khương dự kiến khởi công trước 31/12

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được chia thành ba đoạn, gồm: Dầu Giây - Tân Phú, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.

Theo đó, đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 dự án theo hình thức PPP với chiều dài khoảng 60,1 km, tổng mức đầu tư hơn 8.365 tỷ đồng.

Trong đó, vốn nhà đầu tư 7.065 tỷ đồng và vốn ngân sách nhà nước để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và một phần khối lượng xây lắp là 1.300 tỷ đồng.

Đối với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án, dự án đã được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định. HĐND tỉnh đã thông qua phương án đầu theo hình thức đối tác công tư.

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có chỉ đạo giao tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội đồng thẩm định rà soát, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Để có cơ sở giải trình, làm rõ và hoàn thiện hồ sơ, ngày 2/8, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và phương án tài chính của dự án.

Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh chuẩn bị các hồ sơ để UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án điều chỉnh, làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; hoàn thành trong tháng 8 này.

Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh thực hiện việc đôn đốc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 9, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 10; phấn đấu khởi công trước ngày 31/12/2022 và triển khai thực hiện các bước tiếp.

Đối với đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương Liên danh CTCP Tập đoàn T&T và CTCP đầu tư Tập đoàn Phương Trang nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án.

Thủ tướng đã chấp thuận giao tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn cao tốc còn lại Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức thức đối tác công tư, đoạn tuyến dài khoảng 73,5 km. Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được liên danh nhà đầu tư T&T – Phương Trang - Phương Thành lập, trình thẩm định.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về thẩm quyền và trình tự, thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Theo đó, thẩm quyền quyết định chủ trương thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức đối tác công tư tổ chức thẩm định trong tháng 9 tới để trình HĐND tỉnh phê duyệt trong tháng 10, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 11; thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý IV/2022. Dự án dự kiến được khởi công trước ngày 31/12/2022 và triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.