Lâm Đồng dự kiến khởi công cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trong năm nay

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc 200 km Dầu Giây - Liên Khương kết nối hai tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng và TP HCM cũng như các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, bao gồm hai đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Thông tin từ Báo Lâm Đồng, tỉnh đang tập trung hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tiến tới khởi công 2 Dự án xây dựng đường Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nhằm kết nối giao thông giữa Lâm Đồng với TP HCM và các tỉnh phía Nam. 

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là hai tuyến cao tốc nối liền đi qua các huyện, thành phố gồm Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km.

Đây là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc 200 km Dầu Giây - Liên Khương, trong toàn bộ ba dự án là Dầu Giây - Tân Phú (dài 60 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai), Tân Phú - Bảo Lộc (dài 66 km, trong đó 11 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và 55 km trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương (dài 73 km trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng). 

Trong đó, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được đầu tư theo phương thức PPP, có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Giai đoạn 1, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có nền đường rộng 17 m, với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục, với khoảng cách 4 - 5 km/vị trí. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026.

Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn thiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc rộng 22 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục, dự kiến thực hiện sau năm 2035.

Đây là dự án thuộc nhóm A do UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện. 

Thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn đã tổ chức thực hiện khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, lập hồ sơ thiết kế cơ sở làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư và phương án tài chính của dự án.

Đến nay, dự án đã hoàn thành báo cáo đầu kỳ. UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở, ban, ngành và địa phương đã thống nhất hướng tuyến, các vị trí giao cắt, nút giao, hầm chui, đường gom dân sinh...

Dự kiến trong quý III này, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ hoàn thành trình phê duyệt.

Trên cơ sở này, tỉnh Lâm Đồng sẽ khởi công dự án bằng việc thực hiện giải phóng mặt bằng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong quý IV năm nay, song song với việc lựa chọn nhà đầu tư và các thủ tục khác để kiểm soát tổng mức đầu tư (kiểm soát mỏ vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật).

Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tiếp nối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (điểm cuối dự án Tân Phú - Bảo Lộc); điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km208+650, huyện Đức Trọng.

Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh các nhà đầu tư gồm CTCP Tập đoàn T&T, CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP, CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành. Trong đó, FUTA GROUP là đại diện liên danh các nhà đầu tư.

Tuyến được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, tốc độ 100 km/h. Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h, điểm dừng xe khẩn cấp được bố trí khoảng 4 - 5 km/vị trí trên cùng chiều xe chạy.

Phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án theo quy mô quy hoạch 4 làn xe cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh với nền đường rộng 24,75 m.

Tỉnh Lâm Đồng dự kiến hoàn tất các thủ tục hồ sơ theo quy định để có thể khởi công tuyến cao tốc này trong năm nay, đến năm 2026 hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2027.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.