Kinh tế toàn cầu 'cảnh giác' với những rủi ro tiềm ẩn

Trong kịch bản kỳ vọng lạc quan, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới vẫn có tính không xác định tương đối lớn, các thị trường mới nổi đặc biệt phải đề phòng với những rủi ro tiềm ẩn.
Kinh tế toàn cầu "cảnh giác" với những rủi ro tiềm ẩn - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN).

Theo tờ Minh báo, Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh rằng năm 2021 kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng 5,6%, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 12/2020. 

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 thêm 0,3 điểm phần trăm, lên 5,5%.

Tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo lạc quan chủ yếu xuất phát từ ba lý do. Thứ nhất, năm 2020 tăng trưởng kinh tế của các nước bị cản trở do dịch bệnh tấn công, hiệu ứng cơ sở thấp là nguyên nhân quan trọng để dữ liệu so sánh với cùng kỳ năm 2020 của năm nay chuyển biến tích cực.

Thứ hai, trong cuộc chạy đua với dịch bệnh, xác suất thành công của vaccine đang tăng lên. Cùng với việc ngày càng nhiều quốc gia gấp rút triển khai tiêm chủng vaccine, bước ngoặt trong việc kiểm soát dịch bệnh sẽ đến nhanh, và hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh của các nước cũng sẽ tăng tốc song hành.

Thứ ba, chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà một số quốc gia thực hiện tiếp tục bơm thanh khoản mạnh mẽ cho nền kinh tế. 

Trong kịch bản kỳ vọng lạc quan, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới vẫn có tính không xác định tương đối lớn, các thị trường mới nổi đặc biệt phải đề phòng với những rủi ro tiềm ẩn. Sau khi dịch bệnh bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa thanh khoản trên toàn cầu. 

Việc các thị trường mới nổi đón nhận dòng vốn chảy mạnh vào với quy mô lớn trong ngắn hạn khiến đồng nội tệ tăng giá. Một khi kinh tế Mỹ phục hồi vượt kỳ vọng, Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, từ đó có thể dẫn đến tình trạng các nước mới nổi đối diện với áp lực tháo chạy của dòng vốn, thậm chí kích hoạt giá tài sản lao dốc và tỷ giá hối đoái sụt giảm mạnh (đồng nội tệ mất giá). 

Ngoài ra, do tiến trình tiêm chủng vaccine của các nước không đồng nhất, nên xu hướng dịch bệnh cũng tồn tạị tính không đối xứng, và điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ tương đối lớn đối với hầu hết các thị trường mới nổi và các nước phát triển.

So với các nước phát triển, tiến trình hồi phục của các nước mới nổi dễ bị ràng buộc bởi không gian chính sách hơn. Trong giai đoạn phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, dường như tất cả các nước phát triển đều đã thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để ổn định thị trường tài chính, cải thiện nền kinh tế thực trong ngắn hạn. 

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi hoặc bị trói buộc bởi sức ép nợ nần, hoặc do lo ngại đồng nội tệ mất giá và dòng vốn tháo chạy nên năng lực thực hiện chính sách vĩ mô ngược chu kỳ tương đối yếu, không gian tương đối hẹp, dẫn đến việc phục hồi kinh tế sau sự tấn công của dịch bệnh lần này cũng tương đối chậm chạp.

Trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới, sự hợp tác ứng phó của các nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ khi tình hình dịch bệnh của tất cả các nước và khu vực được khống chế hiệu quả, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới có thể được cải thiện thực sự. 

Trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế vẫn phải tăng cường hợp tác sản xuất và phân phối vaccine, điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ chính sách cho các nước đang phát triển để thúc đẩy kinh tế thế giới nhanh chóng thoát khỏi bóng đen suy thoái dưới sự tấn công của dịch bệnh.
chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.