'Việt Nam tăng trưởng kinh tế toàn diện, thăng hạng về môi trường kinh doanh'

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế nước ta toàn diện hơn, đóng góp của các ngành kinh tế và các thành phần kinh tế đồng đều hơn.

Trong phát biểu báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 gửi Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong giai đoạn qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có 570 chuyến công tác, làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 2.200 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp. 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020.

'Việt Nam tăng trưởng kinh tế toàn diện, thăng hạng về môi trường kinh doanh' - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tổng kết của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Việt Nam tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn

Năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ, vẫn đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8% nằm trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; giai đoạn 2016-2020 đạt 5,99%.

Năm 2020 kinh tế vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương trong khi kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. 

Theo Thủ tướng, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn, đóng góp của các ngành kinh tế và các thành phần kinh tế đồng đều hơn.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Thủ tướng cho biết đến nay xếp hạng GDP của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới. 

Bên cạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành một động lực thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Có nhiều địa phương nỗ lực đổi mới sáng tạo, phấn đấu vươn lên và tăng trưởng bứt phá.

Xuất siêu liên tục 5 năm liền, năm sau cao hơn năm trước. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam nằm trong 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, vươn lên vị trí thứ 33, tăng 9 bậc so với năm 2019.

Việc làm, thu nhập và đời sống cả về vật chất và tinh thần của người dân ở tất cả khu vực nông thôn, đô thị, đồng bằng, miền núi ngày càng được cải thiện. Chỉ số phát triển con người HDI được Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới.

Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, về giới được kiểm soát tốt. Nhiều biện pháp, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được thực hiện với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về các đột phá về thể chế, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt gần 63%); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 30/120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 6.776/9.926 (đạt 68%) danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành.

Tăng 20 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu

Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN; về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia. 

'Việt Nam tăng trưởng kinh tế toàn diện, thăng hạng về môi trường kinh doanh' - Ảnh 2.

Việt Nam ăng 20 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. (Ảnh: Tiền phong).

Quy mô thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 được cải thiện, đạt khoảng 25,2%/GDP, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (23,5%). Mức độ phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất nhập khẩu và nguồn thu từ tài nguyên, khoáng sản giảm đáng kể từ 30% xuống 17,6% trong giai đoạn 2016-2020.

Nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống 55,3% GDP vào cuối năm 2020; nợ Chính phủ giảm từ mức 52,7% năm 2016 xuống 49,1% GDP năm 2020; nợ nước ngoài quốc gia giảm từ 49% GDP năm 2017 xuống 47,3% GDP năm 2020.

Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung đầu tư hiện đại, nhiều công trình hạ tầng về giao thông quốc gia. Chính phủ đã đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long (cầu Cao Lãnh, Vàm Cống…); chú trọng xây dựng hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm tại các đô thị lớn.

5 năm qua, Chính phủ cũng đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt các sân bay lớn, cửa ngõ, chiến lược như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành.

Chính phủ cũng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có lợi thế phát triển. 

Đến nay đã triển khai phủ sóng di động đến 99,8% dân số Việt Nam, hơn 1 triệu km cáp quang (gấp 2 lần so với năm 2016), cung cấp Internet cáp quang đến 100% xã, phường trên cả nước, tốc độ dịch vụ Internet cố định hiện đứng thứ 59 thế giới với hơn 68,5 triệu người sử dụng Internet, đứng thứ 14 thế giới.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.