Chốt phiên giao dịch ngày 17/7, hợp đồng giá thép thanh giao tháng 8 trên Sàn Thượng Hải ghi nhận mức tăng 0,49%, tương đương 15 nhân dân tệ, nâng giá lên 3.066 nhân dân tệ/tấn.
Cùng thời điểm, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,1%, đạt 781 nhân dân tệ/tấn sau khi nhích thêm 8,5 nhân dân tệ.
Tại Sàn Singapore (SGX), hợp đồng quặng sắt cùng kỳ hạn cũng đi lên, tăng thêm 1,91 USD để lên mức 100,83 USD/tấn.
Diễn biến giá thép thanh kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải. Nguồn: Barchart
Hellenic Shipping News Worldwide cho biết, theo công ty môi giới Galaxy Futures, sản xuất thép tại Trung Quốc đã phục hồi, được thúc đẩy bởi việc tích trữ nguyên vật liệu xây dựng, nhu cầu sản xuất mạnh và xuất khẩu thép tiếp tục duy trì ở mức cao.
Các khu vực sản xuất thép chính như Sơn Tây và Đường Sơn đã bắt đầu áp dụng biện pháp hạn chế sản lượng, theo Galaxy.
Dù đang là mùa thấp điểm của ngành thép, nhưng nhu cầu vẫn tăng do một số lò cao tiến hành bảo trì giữa năm, theo công ty môi giới Hexun Futures.
Các nhà phân tích cho biết, sau khi đẩy mạnh xuất khẩu vào cuối quý trước, lượng giao hàng quặng sắt từ các nhà cung cấp hàng đầu như Australia và Brazil đã giảm trở lại.
Tập đoàn Rio Tinto (RIO) ghi nhận sản lượng quặng sắt quý II cao nhất kể từ năm 2018, nhưng sản lượng xuất khẩu không đạt dự báo và ở mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ 2014 do ảnh hưởng từ thời tiết.
Theo các chuyên gia của ANZ, biên lợi nhuận nhà máy đang cải thiện là yếu tố giúp củng cố tâm lý lạc quan về nhu cầu.
Trong khi đó, BHP cho biết chi phí xây dựng ngành công nghiệp “quặng sắt xanh” tại Australia vẫn quá cao, dù nước này và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận hợp tác về khử carbon trong chuỗi cung ứng thép.
Australia hiện cung cấp khoảng 60% nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc, song phần lớn là quặng cấp thấp, khó chuyển đổi thành thép sử dụng năng lượng tái tạo.
Ảnh: Minh Thư
Giá thép xây dựng hiện vẫn duy trì ổn định trên toàn thị trường. Giá thép Hòa Phát hôm nay tiếp tục ổn định khi thị trường trong nước ngày 16/7 không ghi nhận điều chỉnh mới từ các nhà sản xuất lớn. Theo đó, thép cuộn CB240 của Hòa Phát giữ nguyên ở mức 13.230 đồng/kg, trong khi thép thanh vằn D10 CB300 duy trì tại 12.830 đồng/kg.
Mức giá tại các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức và Việt Sing cũng không thay đổi. Cụ thể, thép Việt Ý được niêm yết từ 12.520 đến 13.130 đồng/kg tùy chủng loại; Việt Đức dao động trong khoảng 12.440 – 13.050 đồng/kg; còn Việt Sing giữ mức 13.130 đồng/kg cho CB240 và 12.930 đồng/kg cho D10 CB300.
Ở phân khúc cao cấp, Promina tiếp tục dẫn đầu với giá CB240 đạt 14.440 đồng/kg và D10 CB300 ở mức 14.290 đồng/kg. Đáng chú ý, giá thép Miền Nam hiện vẫn nằm trong nhóm cao nhất thị trường, với CB240 giao dịch ở mức 14.210 đồng/kg và D10 CB300 giữ nguyên tại 14.410 đồng/kg.