Ông Trần Văn Tâm (giữa) mắt còn đỏ ngầu sau nhiều giờ ngâm người trong nước lạnh kể về cuộc thoát chết kỳ diệu của mình - Ảnh: Dương Thanh Xuân
Sáng 4-11, chúng tôi đã tiếp cận được với ông Trần Văn Tâm - chủ tàu cá số hiệu PY90151, người vừa thoát chết kỳ diệu khi nhóm 4 ngư dân của ông bị sóng cuốn trôi gần 10 giờ trên biển.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã tập trung ở nhà ông Tâm để hỏi thăm, chia vui cùng gia đình. ông.
Với vẻ mặt mệt mỏi, mắt đỏ ngầu sau hơn 10 tiếng đồng hồ lênh đênh trôi dạt trên biển, ông Tâm thốt lên: “Tôi sống được là nhờ Trời Phật phù hộ, nhờ tình người của bà con làng biển”.
Sóng cuốn trôi từ sông ra biển
Kể về câu chuyện sống sót khó tin của mình, ông Trần Văn Tâm cho biết: tài sản lớn nhất của gia đình ông là chiếc tàu cá bò gù được đóng từ năm 1999 với giá hơn 32 cây vàng.
Khoảng 13g30 chiều 3-11, thấy nước lụt tràn về, lo sợ tàu bị hư hại nên ông Tâm cùng con trai là Trần Công Nhật và cháu Sang, cháu Thảo xuống đưa tàu sang cảng cá Đông Tác neo đậu.
Tuy nhiên, tàu vừa đi ra một lúc thì bị dây neo vấn chân vịt, tàu bị sóng đánh chìm. Cả 4 người trên tàu đều rơi xuống biển, mỗi người văng ra một phía. Mọi người đều cố gắng bơi và vớ được mấy can nhựa, ráng sức bơi vào bờ.
Lúc này, nước lụt trên sông Ba đột nhiên tràn xuống lạnh buốt, phía cửa biển thì sóng mỗi lúc một lớn, gió nổi lên đùng đùng đẩy 4 ngư dân tan tác.
Đột nhiên, một con sóng lớn ập đến, các can nhựa văng ra xa. Thảo bị chuột rút nên không thể trụ được, bị con sóng nuốt trọn, cuốn trôi cùng chiếc can nhựa.
Những người còn lại mặc dù mất tinh thần nhưng vẫn động viên nhau cố gắng trụ lại, bám vào bất cứ thứ gì để giữ thăng bằng.
"May thay ngay lúc sóng lớn đó có nắp hầm của tàu cá và 1 cây tre dài khoảng 2 sải dạt đến, tôi vớ được, kéo cả 3 người bám vào. Và chúng tôi cứ thế lênh đênh trên mặt nước, bị sóng cuốn trôi từ sông ra cửa biển" - ông Tâm kể.
Vừa hoàn hồn sau tai nạn, toàn thân còn đầy vết sây sát, anh Trần Công Nhật - 28 tuổi, con trai ông Tâm - bồi hồi nhớ lại: Hôm đó, anh Thảo đang đi dọn nhà chạy lũ giùm người thân ở gần đây, thấy gia đình Tâm đang đưa tàu đi neo trú bão thì ngỏ ý giúp đỡ. Không ngờ vừa lên tàu thì xảy ra chuyện…
"Chúng tôi may mắn hơn nên thoát nạn, nhưng nghĩ lại không khỏi xót xa. Giờ chỉ mong sớm tìm được anh Thảo để gia đình anh ấy yên tâm..." - anh Nhật đau lòng nói.
Không tàu nào dám ra cứu
Thấy con trai mệt và xúc động, ông Tâm tiếp tục câu chuyện: Lúc ở giữa biển khơi, thấy sóng to gió lớn, tôi xác định không thể có phương tiện nào dám ra biển cứu vì sẽ rất nguy hiểm. Do vậy, tôi tự nhủ phải tự dựa vào sức mình và phần số may mắn.
Lúc đó ai cũng hoảng loạn, bất lực, kiệt sức, muốn buông bỏ. Nhưng rồi khi nhìn thấy hàng trăm con người trên bờ dõi theo, trong đó có vợ, có con, em, người thân của mình thì chúng tôi lại cố nén nỗi lo để động viên nhau, cũng là tự động viên mình cố bám trụ".
"Cứ vậy, chúng tôi trôi dạt mãi, lúc được đẩy vào gần bờ rồi lại bị kéo ra xa. Chúng tôi gần như tê cóng, ngất lịm. Đến đêm khuya, khi nhìn thấy ngọn đèn từ quảng trường 1-4 heo hắt từ xa, tôi mừng rỡ kêu lớn: “Sống rồi!”.
Bãi đá nơi ông Tâm trôi dạt vào bờ - Ảnh Trọng Đài
Định thần lại thì thấy chúng tôi đã được sóng đánh vào sát bờ, chân có cảm giác chạm được tới đất. Chưa kịp mừng thì tôi phát hiện chúng tôi đang ở giữa bãi đá lớn, nếu sóng lớn thì chúng tôi có thể bị đập đầu vào đá bất cứ lúc nào.
Kỳ diệu thay, một con sóng đưa thẳng cả 3 người vào bãi cát nhỏ, ngay giữa các hóc đá lởm chởm. Chúng tôi dìu dắt nhau bám vào một mỏm đá lớn và kêu cứu. Như đã trực sẵn, nhiều người dân ùa ra dìu chúng tôi vào đất liền" - ông Tâm nói.
Mãi đến khi đã ngồi yên trong nhà, được sơ cứu, sưởi ấm, nhìn thấy người thân bao quanh thì các ngư dân mới có cảm giác được sống. Đúng là tình người chỉ thấy được lúc ở giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết!
Sau khi thoát chết kỳ diệu, được hỏi có tiếp tục gắn bó với biển nữa không, ông Tâm bùi ngùi: "Tôi đã sống chết với biển từ bé. Dù biển bạc mấy thì biển vẫn là nguồn sống, là “nhà” của người làng biển chúng tôi, làm sao mà bỏ được".