Lãi suất huy động đã giảm, đã đến lúc lãi suất cho vay giảm theo?

Lãi suất không chỉ làm gia tăng áp lực về giá - vốn đang tạo ra vấn đề cho nền kinh tế, mà lãi suất cũng còn liên quan đến các khoản nợ xấu mà nhiều khả năng sẽ làm các nhà băng khó lòng hạ lãi suất cho vay ngay cả khi lãi suất chính sách đã giảm. 
lai suat huy dong da giam da den luc lai suat cho vay giam theo
(Ảnh minh họa)

"Ông lớn" đồng loạt hạ lãi suất huy động

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND. Cụ thể, lãi suất VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm có các mức giảm khá mạnh, từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Theo khảo sát, tại Vietcombank, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được công bố ở mức 0,3%/năm, kỳ hạn từ 1 -2 tháng ở mức 4,3%/năm, giảm lần lượt 0,2-0,5%/năm so với trước. Kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, giảm 0,3%/năm so với khung lãi suất trước, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, giảm 0,2%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm. Đây cũng là biểu lãi suất hiện đang được niêm yết tại ngân hàng BIDV và Vietinbank. Riêng lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được VietinBank công bố ở mức 0,5%/năm, nhỉnh hơn một chút so với hai ông lớn còn lại.

“Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp; qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Lãi suất cho vay có giảm theo?

Việc ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động được thị trường kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Vậy, điều này có thể xảy ra trong tương lai gần?

Được biết, năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5%. Tháng 9 đã ghi nhận chỉ số lạm phát ở mức 3,3%. Theo đánh giá của ngân hàng HSBC, lạm phát tăng vẫn là rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh thời tiết và các điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi có thể đẩy giá thực phẩm lên cao.

Hơn nữa, giá xăng tăng trở lại cuối cùng cũng sẽ tìm cách tác động đến nền kinh tế, tác động vào lạm phát cao. Các chi phí được quy định cho một số ngành dịch vụ quan trọng như giáo dục và y tế cũng có nhiều khả năng leo thang trong vài tháng tới. Theo đó, tín dụng tăng trưởng mạnh cũng sẽ tạo thêm áp lực cho lạm phát. Chính vì vậy, HSBC cho rằng, cơ hội để nới lỏng tiền tệ thêm nữa sẽ bị giới hạn trong thời gian này.

Theo ngân hàng này, lãi suất không chỉ làm gia tăng áp lực về giá - vốn đang tạo ra vấn đề cho nền kinh tế, mà lãi suất cũng còn liên quan đến các khoản nợ xấu mà nhiều khả năng sẽ làm các nhà băng khó lòng hạ lãi suất cho vay ngay cả khi lãi suất chính sách đã giảm.

Vậy, câu hỏi đặt ra trong thời điểm này là, liệu chính sách tài khóa có thể được sử dụng trong trường hợp cần thiết nếu như chính sách tiền tệ không thể hiện vai trò của mình? Theo HSBC, câu trả lời là không hề dễ dàng. Thâm hụt ngân sách đang đặt dưới tình trạng căng thẳng do chi tiêu công leo thang quá mức.

Xét cho cùng, nhu cầu đối với các dịch vụ công cộng cũng đang gia tăng nhanh chóng do Việt Nam có dân số trẻ. Đồng thời, nguồn thu ngân sách cũng đang chịu nhiều áp lực do giá dầu giảm và việc thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra chậm chạp.

Theo Trần Thúy

Diễn đàn đầu tư

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.