Khách hàng tố bị mất 4 tỷ trong tài khoản ngân hàng SCB
Theo thông tin trên Tri Thức Trực Tuyến, khách hàng Trần Thị Thanh Phúc ở Hà Nội cho biết, có mở tài khoản thanh toán 054.01.0724012.0001 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chi nhánh Nguyễn Khuyến - Hà Nội. Trong tài khoản của chị có hơn 4,2 tỷ đồng.
Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra SCB rút tiền để mua nhà thì phát hiện 4 tỉ đồng trong tài khoản "không cánh mà bay". Nhân viên ngân hàng thông báo tiền đã được chuyển vào ngày 5/10/2015 cho người nhận là Lê Thu Hà, số CMT 013227232, do Công an Hà Nội cấp ngày 30/10/2012. Việc chuyển tiền này, chị Phúc không hay biết gì.
Khách hàng Trần Thị Thanh Phúc chỉ hình ảnh camera ghi lại người đàn ông đến Ngân hàng SCB thực hiện uỷ nhiệm chi 4 tỉ đồng. Ảnh: VnExpress |
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, ngân hàng SCB đã sai nghiêm trọng ở chỗ không phải người chủ tài khoản tới rút tiền, chuyển khoản mà vẫn thực hiện giao dịch.
Nếu trong trường hợp, giấy ủy nhiệm đúng là chữ ký của chị Phúc đi chăng nữa, thì mới có giá trị xác minh 1 nửa. Cần nhiều yếu tố để biết được đó có đúng là chủ tài khoản yêu cầu thực hiện giao dịch không, chứ không phải chỉ một chữ ký. Chưa kể tới trường hợp có thể đó là chữ ký giả.
Đại diện SCB cho rằng, nhân viên ngân hàng có sai sót khi không có giấy ủy quyền của chủ tài khoản mà vẫn thực hiện giao dịch.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng nhắc đi nhắc lại rằng: Về bản chất là giao dịch thực hiện theo yêu cầu cùa chị Phúc. Cụ thể là ủy nhiệm chi có chữ ký, xác nhận qua điện thoại, chứ không có chuyện bỗng dưng mất tiền tại ngân hàng.
EVN không phải mua điện từ Trung Quốc
Thông tin trên báo VnExpress, theo báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của EVN tháng 8 và 8 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và mua của tập đoàn đạt 117,1 tỷ kWh sau 8 tháng, tăng 11,21% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy điện chiếm 32,76%, nhiệt điện than chiếm 38,03%, tua-bin khí chiếm 27,42%, nhiệt điện dầu chiếm 0,90%, nhập khẩu chiếm 0,99%. Đáng chú ý, EVN tiếp tục dừng mua điện từ Trung Quốc trong tháng 8.
Theo giải thích từ đại diện EVN, do hợp đồng mua điện từ Trung Quốc là hợp đồng mở, việc mua hay không sẽ dựa trên nhu cầu của hệ thống điện Việt Nam. Do tháng 7 và 8 là hai tháng mùa mưa, các nguồn điện trong nước đáp ứng đủ nên EVN tạm ngừng mua điện từ Trung Quốc. Dự tính, nếu nguồn điện trong nước vẫn đáp ứng đủ trong các tháng mùa mưa, EVN có thể không phải mua điện từ Trung Quốc 4 tháng liên tiếp.
EVN |
Trước đó, theo chỉ đạo của EVN, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc cũng đã tạm dừng mua điện từ Trung Quốc trên 3 đường dây 110kV trong quý I.
Dự kiến cả năm 2016, EVN sẽ mua khoảng 950 triệu kWh điện từ Trung Quốc, giảm 733 triệu kWh so với năm 2015. Với mức sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2016 dự kiến đạt 182,622 tỷ kWh thì tỷ lệ mua điện từ Trung Quốc chỉ còn chiếm khoảng 0,52%, giảm chỉ còn một nửa so với năm 2015.
Về sản lượng điện thương phẩm tháng 8 của EVN đạt 14,17 tỷ kWh; luỹ kế 8 tháng đạt 104,51 tỷ kWh, tăng 11,37%.
Cổ phiếu của Bầu Đức không được giao dịch ký quỹ
Thông tin trên VnExpress, sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vừa quyết định bổ sung danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Hai trong 3 doanh nghiệp nằm trong danh sách này là của ông Đoàn Nguyên Đức, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).
Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm là số âm. Cụ thể, báo cáo của HAG ghi nhận khoản lỗ hơn 1.191 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Lỗ sau thuế riêng cổ đông công ty mẹ hơn 862 tỷ đồng. Với HNG, khoản lỗ trước thuế cũng trên 500 tỷ. Trong khi đó LGL báo lỗ 7,5 tỷ đồng.
Giao dịch ký quỹ (Margin Trading) trên thực tế là hoạt động cho phép nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán. Cụ thể, nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán môi giới cấp. Hoạt động này được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp chính cổ phiếu được mua. Tuy nhiên, không phải tất cả chứng khoán đều được các nhà môi giới cung cấp dịch vụ margin, mà thông thường chỉ có danh sách giới hạn được chọn lựa.
Mua 7 chỉ vàng tại Bảo Tín Minh Châu 'bốc hơi' còn 6 chỉ
Ngày 28/8, một tài khoản trên mạng xã hội Facebook đăng tải 4 đoạn clip cùng thông tin phản ánh về việc mua 7 chỉ vàng của Bảo Tín Minh Châu nhưng lúc bán được 6 chỉ.
Liên quan tới sự việc, trao đổi với PV Việt Nam Mới, chị Nguyễn L. (người đăng clip) cho biết, vào khoảng tháng 3, gia đình chị đã mua một chiếc kiềng 7 chỉ của Bảo Tín Minh Châu. Đến ngày hôm qua (28/8), khi đem ra bán tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu (Trần Nhân Tông, Hà Nội) thì cửa hàng cho biết chiếc kiềng này chỉ còn 6 chỉ.
Chị L. cho hay, theo giải thích của phó quản lý cửa hàng, trọng lượng thực của chiếc kiềng và giấy đảm bảo vàng đã đưa cho khách không cân xứng. Dù trong hóa đơn ghi là 7 chỉ nhưng chiếc kiềng chỉ có 6 chỉ mà thôi, vì vậy cửa hàng quyết định mua lại theo đúng trọng lượng thực tế của nó.
Tờ hóa đơn có ghi rõ giá trị của kiềng là 7,040 chỉ . |
Bức xúc trước lời giải thích của cửa hàng, gia đình chị L. cho biết khi mua hàng đã thanh toán đúng số tiền tương ứng 7 chỉ và nhận lại hóa đơn đỏ: "Khi chúng tôi mua hàng thì được cô nhân viên đưa theo tờ hóa đơn này, bây giờ các cô lại bảo hóa đơn không khớp với chiếc kiềng, thế này là lỗi do ai? Trong khi đó, tôi không nhận được lời giải thích nào từ nhân viên cả".
Bên cạnh đó, chị L cho biết, người quản lý còn nói rằng khi gia đình chị L. đi mua hàng cần phải xem hóa đơn đỏ có ứng với trọng lượng chiếc kiềng không vì đó là quyền lợi của khách: "Họ nói với gia đình tôi rằng, khi mua vàng thì người mua phải chịu trách nhiệm với sản phẩm, phải kiểm tra trước khi ra khỏi quầy. Giờ chúng tôi mua hàng đã qua 3 tháng nên họ không check lại camera được".
Vì không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cửa hàng, gia đình chị L. đã đưa sự việc lên công an phường. Sau một hồi cãi vã, quản lý cửa hàng đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình và đồng ý trả lại số tiền tương ứng 7 chỉ vàng cho khách hàng.
Chị L cũng cho biết, lý do chị bức xúc là vì thái độ và trách nhiệm của cửa hàng chứ không phải chỉ vì tiền bạc.
Galaxy Note 7 phát nổ: Samsung ngừng bán, người tiêu dùng hoang mang
Hôm 31/8, Samsung tuyên bố tạm ngừng bán Galaxy Note 7 tại một số thị trường để bổ sung thêm khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm báo cáo pin thiết bị phát nổ khi đang sạc.
Tuy nhiên trong thông báo của mình, Samsung không nêu cụ thể vấn đề mà hãng đang kiểm nghiệm hay thị trường nào bị ảnh hưởng lần này.
Samsung Galaxy Note 7. Ảnh: VTC News |
Tại Hàn Quốc, Samsung đã hoãn cung ứng Note 7 cho ba nhà mạng lớn. Với việc làm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh nửa sau năm 2016 của hãng công nghệ hàng đầu thế giới này.
Theo một số chuyên gia, nếu xác nhận vấn đề chất lượng là có thật, đây sẽ là cú giáng mạnh vào nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới.
Bởi vì hãng công nghệ của Hàn Quốc đang phụ thuộc vào Note 7 để duy trì doanh thu nhằm cạnh tranh với Apple trong bối cảnh quả táo 7 chuẩn bị được giới thiệu vào tuần sau.
Giám đốc quỹ HDC Asset Management Park Jung Hoon nhận định: "Apple chuẩn bị tiết lộ iPhone 7 vào tuần tới và vấn đề với Samsung đang nổi lên, vì vậy tình hình hiện tại không tốt chút nào".
Với chuỗi các sự cố trên, nhiều chuyên gia đánh giá lợi nhuận và giá bán của Samsung sẽ giảm. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Samsung cũng đã giảm 3% khi thông tin về sản phẩm bị lỗi và ngừng giao dịch của Note 7 được đưa ra.
Galaxy Note 7 được bán tại Hàn Quốc và vài nước khác, trong đó có Việt Nam, từ ngày 19/8. Năm 2015, năng lực sản xuất màn hình cong hạn chế cho Galaxy S6 Edge khiến doanh số thiết bị gây thất vọng và Samsung có nguy cơ lặp lại điều này nếu không giải quyết khẩn cấp sự cố với Note 7.
Tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng vô cùng hoang mang và lo lắng trước chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, một số người yêu công nghệ cảm thấy tiếc và hụt hẫng cho một siêu phẩm của Samsung.
An Yên (Tổng hợp)