Chị Trần Thị Vân (42 tuổi), trú thôn Yên Tràng, xã Kim Lộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, đầu tháng 8, con trai chị là cháu T.Đ.Q tới trụ sở UBND xã Kim Lộc xin xác nhận lý lịch để làm hồ sơ vào nhập học trường đại học ở Đà Nẵng.
Khi làm thủ tục, cán bộ phòng giao dịch một cửa của xã ghi nhận xét vào bản lý lịch: "Bản thân và gia đình chấp hành tốt nghĩa vụ của công dân, pháp luật của nhà nước", sau đó chuyển hồ sơ lý lịch này cho ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó chủ tịch xã Kim Lộc ký, đóng dấu.
Tuy nhiên, khi nhận được thông báo từ thôn Yên Tràng việc gia đình chị Vân chưa đóng khoản phí 2,6 triệu đồng tiền làm đường giao thông của thôn từ năm 2014, nay nhờ thu hộ, vị cán bộ này yêu cầu phía cháu Q. gọi bố mẹ lên làm việc, cam kết việc đóng nộp mới trả hồ sơ.
Do muốn có thời gian chuẩn bị cho nhập học, nên cháu Q. đã không chấp nhận yêu cầu của vị cán bộ này mà xin lấy hồ sơ về luôn.
Bút phê lý lịch, vị cán bộ này ghi rõ: "Gia đình chưa chấp hành đóng nộp theo quy định của thôn". |
Tuy nhiên tại đây, vị cán bộ xã này sau đó lại ghi thêm một dòng vào phần nhận xét lý lịch là “gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp theo quy định của thôn”.
Lo lắng cho việc nhập học sẽ khó khăn khi lý lịch không tốt, cháu Q. đã về nhà đưa hồ sơ cho bố mẹ xem.
“Sau khi xem hồ sơ, tôi đã mang 500.000 đồng lên xã đóng tiền làm đường và cam kết sẽ đóng các khoản tiền còn lại. Tại đây, cán bộ xã Kim Lộc chấp thuận và làm lý lịch mới để con trai tôi vào Đà Nẵng nhập học” chị Vân nói.
Cũng theo chị Vân thì năm 2014, thôn Yên Tràng làm đường bê tông vào các ngõ ngách, chị cùng với một số hộ khác ở cách xa 1 km, không đi vào những ngõ ngách đó nên đã đề nghị xã giảm tiền.
Trong thời gian đang chờ giảm do chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền nên gia đình chị chưa nộp. Còn các khoản khác từ trước đến nay đều được gia đình đóng đầy đủ.
Trụ sở UBND xã Kim Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). |
Liên quan đến sự việc này, ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Kim Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa tổ chức họp và kiểm điểm một số cán bộ giải quyết hồ sơ chưa thỏa đáng cho công dân khi đặt ''bút phê'' lý lịch xấu, gây khó khăn cho một tân sinh viên trên địa bàn. Đồng thời, những người liên quan phải khắc phục sai sót và xin lỗi gia đình nam sinh liên quan đến vấn đề đã xảy ra.
“Việc các cán bộ tự ý thu hộ khoản nợ của thôn hay bút phê vào lý lịch là sai với hướng dẫn và quy định làm việc. Xã đã tiến hành họp, đưa kiểm điểm các cán bộ này và yêu cầu họ sữa chữa, khắc phục sai lầm”, ông Hữu nói.
Trao đổi với PV, ông Bùi Huy Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được thông phản ánh huyện đã giao cho xã mời gia đình em nam sinh lên để làm việc hòa giải.
“Người phê viết vào lý lịch là Phó chủ tịch xã Kim Lộc. Nhìn chung, gia đình em nam sinh đã có thông cảm, còn riêng cá nhân tôi nhìn nhận việc này thì không nên, bởi phê như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc đời của một em sinh viên vừa mới bước vào đời.
Trước việc này, tôi cũng giao cho các xã phải làm thế nào mà để các sinh viên đi học có dấu ấn tốt đẹp về quê hương mình. Đây là do nhận thức, năng lực của một số cán bộ cơ sở còn kém, hai là áp lực về việc thuyết phục người dân xây dựng nông thôn mới”, ông Cường cho hay.
Bút phê 'lý lịch xấu' sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, công dân ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho biết việc bút phê "lý lịch xấu" sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân. |