Như đã thông tin, rạng sáng 3/11, các lực lượng thuộc Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đã mật phục, bắt giữ 15 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn chảy qua quận Bắc Từ Liêm và huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Nhân sự kiện này, ngày 4/11, phóng viên có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Cương – Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68), Công an TP Hà Nội liên quan đến công tác phòng, chống nạn khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn TP Hà Nội.
- Thưa ông, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có bao nhiêu doanh nghiệp được cấp phép nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông và bao nhiêu doanh nghiệp được phép khai thác bãi nổi?
Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, hiện trên địa bàn các sông của Hà Nội có 13 doanh nghiệp đã trình hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để xin phép nạo vét, tận thu sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 10 doanh nghiệp đủ điều kiện và đã đi vào thi công kể từ sau mùa mưa lũ (15/10). Hai doanh nghiệp còn lại chưa đủ điều kiện để được thi công.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương - Phó trưởng Phòng PC68 Công an TP Hà Nội. |
Ngoài 13 doanh nghiệp nạo vét nói trên, Hà Nội còn có 12 doanh nghiệp khác được khai thác bãi nổi. Hà Nội còn chung dòng sông với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Các tỉnh này đã cấp phép cho 16 doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn giáp ranh với Hà Nội.
- Ông có nhận định gì về tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép hiện nay?
Khai thác cát là vấn đề thu hút sự quan tâm của báo chí và dư luận thời gian qua. Không chỉ Hà Nội mà trong cả nước, một số nơi xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép gây bức xúc cho người dân.
Thời gian qua tình trạng khai thác cát trái phép đã từng diễn ra và sắp tới cũng không thể khẳng định rằng tình trạng này không xảy ra nữa.
Chúng tôi dự báo rằng, tình trạng này sắp tới có thể sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với những tháng mùa lũ vừa qua. Bởi trong mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, phương tiện có khai thác thì cũng hoạt động khó khăn hơn. Còn hiện nay đang là mùa nước cạn, hiện mực nước sông Hồng đã hạ thấp hơn 1,9m so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi nước sông hạ thấp thì các phương tiện khai thác hoạt động dễ dàng hơn. Đặc biệt, hiện đã hết mùa lũ, các doanh nghiệp được cấp phép nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông đã đi vào hoạt động.
Thời điểm này, thường xảy ra tình trạng nhiều tàu thuyền tự chế của tư nhân sẽ lợi dụng, bám theo phương tiện của các doanh nghiệp có phép để tiến hành khái thác cát trái phép. Cũng không loại trừ trường hợp, các doanh nghiệp có phép nhưng vẫn lợi dụng đưa các tàu tự chế khác để hút cát.
Từ những dự báo nói trên, Hà Nội đã chuẩn bị nhiều phương án để ngăn chặn “cát tặc”.
- Ông có thể nói rõ hơn về tình hình phòng chống “cát tặc” của Công an TP Hà Nội nói chung và Phòng PC68 nói riêng?
Có thể khẳng định rằng, hiện tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội đã giảm hơn rất nhiều so với trước đây. Hà Nội cũng là một trong những địa phương quyết liệt nhất trong việc phòng chống nạn khai thác cát trái phép, sai phép.
Trong những năm qua, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phòng PC68 chúng tôi đã ban hành nhiều kế hoạch, thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống “cát tặc”.
Chúng tôi phối hợp với các ban ngành lên quan đã phát hiện bắt giữ rất nhiều phương tiện khai thác cát trái phép. Trong đó, nhiều trường hợp vi phạm đã được chúng tôi chuyển Phòng PC46 để khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng liên quan.
Một số phương tiện khai thác cát trái phép bị cảnh sát bắt giữ hôm 3/11. |
Gần đây nhất, Công an TP Hà Nội ban hành kế hoạch số 120 (ngày 9/5), Phòng PC68 cũng có kế hoạch số 258 (ngày 10/5) về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn các tuyến sông thuộc địa bàn TP Hà Nội.
Ngoài ra, Công an thành phố còn có phương án số 222 (ngày 23/8) về phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong việc phát hiện, bắt giữ các trường hợp khai thác cát trái phép.
Thực hiện các kế hoạch, phương án nói trên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, rạng sáng ngày 3/11, các lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, mật phục và đã bắt giữ được 15 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Lực lượng tham gia cuộc vây bắt gồm có Phòng PC68, Phòng PV11, Công an các quận, huyện… Đặc biệt, cuộc vây bắt này còn có sự tham gia của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) và lực lượng cơ động mạnh là Phòng PK20E.
- Từ tháng 8 tới nay, chúng tôi đã thực hiện loạt bài điều tra về tình trạng khai thác cát trái phép. Trong quá trình này, chúng tôi được người dân phản ánh rằng, có một số đối tượng chuyên tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Hồng, thuộc địa bàn Hà Nội. Vậy phía cảnh sát có nắm được thông tin này hay không và hướng xử lý ra sao?
Trường hợp nào chuyên tổ chức khai thác cát trái phép, hay có các đối tượng “xã hội đen” có liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép thì chúng tôi đã nắm được. Chúng tôi cũng có biện pháp nghiệp vụ riêng của mình. Tới thời điểm nào đó, nếu có đủ cơ sở, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đó.
- Đêm 3/11, rạng sáng 4/11, tức chỉ một ngày sau khi cảnh sát bắt 15 phương tiện, chúng tôi lại phát hiện ít nhất hơn 10 tàu thuyền khác khai thác cát trái phép trên sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Đông Anh, đoạn đối diện đê Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này và Phòng PC68 có kế hoạch gì để đẩy lùi nạn cát tặc tại khúc sông nói trên?
Như tôi đã nói, thời điểm này, có tình trạng tàu thuyền tự chế của tư nhân sẽ lợi dụng, bám theo phương tiện của các doanh nghiệp có phép để tiến hành khái thác cát trái phép. Cũng không loại trừ trường hợp, các doanh nghiệp có phép nhưng vẫn lợi dụng đưa các tàu tự chế khác để hút cát.
Ngoài ra, còn có trường hợp lợi dụng thời gian đêm tối khi lực lượng chức năng không có mặt để khai thác cát trái phép.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, lượng cảnh sát đường thủy còn mỏng, lại quản lý tuyến sông dài. Bởi vậy, chỉ mình cảnh sát đường thủy là không đủ, mà cần phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng quản lý liên quan thì công tác phát hiện, xử lý mới có hiệu quả.
Hiện chúng tôi đã tham mưu tới Công an thành phố và các ban ngành chức năng mở lớp học điều khiển xuồng máy, đồng thời cấp xuồng máy cho các quận, huyện. Sắp tới, lực lượng các quận huyện sẽ phối hợp cùng chúng tôi để phát hiện, bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép, sai phép.
Riêng với trường hợp các tàu tư nhân tự chế, hiện chúng tôi nắm được có khoảng 122 tàu thuyền loại này, tập trung chủ yếu ở quận Bắc Từ Liêm và huyện Đan Phượng. Chúng tôi cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra các cơ sở sản xuất ra các loại tàu này. Nếu phát hiện cơ sở đó sai phạm, phương tiện đó không đủ tiêu chuẩn thì phải xử lý. Xử lý tận gốc như vậy mới có hiệu quả.
- Nếu phát hiện doanh nghiệp có phép nạo vét, tận thu sản phẩm nhưng lại lợi dụng để khai thác cát trái phép. Chẳng hạn, doanh nghiệp tiến hành hoạt động về đêm, khai thác với phương tiện vượt quá số lượng cho phép… thì theo ông, chúng ta có nên thu hồi giấy phép của doanh nghiệp này hay không?
Theo tôi thì nên thu hồi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể đề xuất, còn thẩm quyền thu hồi giấy phép của doanh nghiệp thuộc về cơ quan khác.
- Xin cảm ơn ông!