Lãnh đạo Sở Văn hoá Hà Nội: 'Ông đồ viết chữ trên hè phố là rởm'

Những ông đồ chất lượng, vượt qua vòng khảo tuyển sẽ viết chữ trong khu vực hồ Văn nên theo Phó giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội, "ông đồ" ngồi ngoài hè phố không có trình độ, lợi dụng kiếm tiền.

Chiều 16/1 Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, tổ chức họp báo thông tin về việc tổ chức Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017. Theo đó, phố ông đồ sẽ diễn ra từ ngày 21/1 đến 11/2 (tức 24/12 đến 15/1 âm lịch) tại khu vực hồ Văn (Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội). Khoảng 100 ông đồ sẽ tham gia cho chữ.

Theo Giám đốc trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, những ông đồ này đều đã qua sát hạch từ các năm trước. Năm 2017, hội chữ không tổ chức khảo tuyển nữa mà chỉ thẩm định trình độ của những người "thi vớt" năm 2016 với số lượng rất ít. Việc thi tuyển và quy hoạch phố ông đồ vào khu vực hồ Văn, đã làm giảm đáng kể số người viết chữ tự phát ở vỉa hè Văn Miếu trong dịp Tết Bính Thân.

lanh dao so van hoa ha noi ong do viet chu tren he pho la rom
Sau thời gian ngồi trên vỉa hè Văn Miếu dẫn đến cảnh người xe lộn xộn, các ông đồ đã chuyển vào khuôn viên hồ Văn. Ảnh: Ngọc Thành.

"Việc sát hạch tuyển chọn ông đồ và tổ chức lại hoạt động viết thư pháp ở Văn Miếu là đúng đắn. Trước đây, hoạt động này tự phát, rất lộn xộn, nhiều ông đồ rởm, lợi dụng kiếm tiền. Có thời kỳ phố ông đồ tự phát lên tới gần 200 người, gồm cả người già, người trẻ cho chữ", Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến nói.

Hiện nay, những ông đồ chất lượng đã vào khu vực quy định của ban tổ chức tại hồ Văn. Do đó, ông Tiến cho rằng, những ông đồ ngồi ngoài hè phố "đều là đồ rởm, không có trình độ, lợi dụng kiếm tiền". Người dân xin chữ năm mới của những ông đồ chưa được thẩm định này có khả năng "xin chữ may mắn lại thành chữ xúi quẩy".

Ông Tiến nhấn mạnh, năm 2017 Sở vẫn kiên quyết "khai tử" phố ông đồ trên vỉa hè Văn Miếu. Những người viết chữ tự phát sẽ bị công an xử lý.

Ngoài hoạt động cho chữ, Hội chữ Xuân Đinh Dậu còn có khu vực trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội như: gốm sứ, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng. Khu vực giới thiệu tranh dân gian sẽ có không gian để các thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh, khám phá tranh Tết. 30 bức thư pháp Hán - Nôm với chủ đề Tôn sư trọng đạo đã được hội đồng thư pháp thẩm định, cũng được trưng bày ở hồ Văn dịp này.

Từ năm 2014, thành phố Hà Nội ra quy định cấm "ông đồ" cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu vì không đảm bảo an ninh trật tự, gây ách tắc giao thông, chất lượng người cho chữ không được kiểm soát, giá cả bị thương mại hóa, việc đóng đinh, căng lều bạt gây mất mỹ quan...

Quy định này ban đầu gặp nhiều phản ứng. Năm 2014, sau khi vào hồ Văn cho chữ một thời gian, vì khách đến quá thưa vắng và không quen kiểu bó mình trong khung sắt che bạt, hàng loạt "thầy đồ" tái chiếm vỉa hè.

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục tổ chức phố ông đồ trong khu vực hồ Văn. Để tránh "vỡ trận", công tác chuẩn bị diễn ra sớm và kỹ càng hơn. Các "ông đồ" khắp Hà Nội và tỉnh thành lân cận được thông báo kế hoạch tổ chức và phải tham gia sát hạch để sàng lọc người đủ trình độ cho chữ.

Năm 2016 hoạt động khảo hạch được tiếp diễn. Hội chữ Xuân tại hồ Văn dần được sự đồng thuận của các ông đồ và người dân.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.