Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch bao gồm địa phận Lào Cai và 6 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên.
Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/ đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến tuyến biên giới sẽ có 31 cửa khẩu, trong đó có 18 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu song phương và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt. Hầu hết các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc đều có đầy đủ 2 loại hình cửa khẩu quốc tế, song phương.
Theo quy hoạch giai đoạn này, Lào Cai sẽ có 2 cặp cửa khẩu quốc tế được mở, nâng cấp là Mường Khương (Lào Cai) – Kiều Đầu (Vân Nam) và Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam).
Trong 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương được mở ở 7 tỉnh, riêng Lào Cai được mở 6 lối thông quan/ đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa.
Đó là các lối Bản Quẩn – Sơn Yêu và Na Lốc - Mã Hoàng Pao, đều thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) – Hà Khẩu (Vân Nam); Lũng Pô – Lũng Pô Chải và Y Tý – Ma Ngán Tý thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam); Lồ Cồ Chin – Lao Kha thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Mường Khương (Lào Cai) – Kiều Đầu (Vân Nam).
Ngoài ra, định hướng của Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào các tuyến giao thông liên vùng kết nối đến các cửa khẩu quan trọng, nhất là những cửa khẩu quốc tế trọng điểm đến các trung tâm kinh tế, cảng biển, cảng cạn và thủy nội địa, trục vận tải,... phù hợp với quy hoạch.
Trong đó có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; xây dựng tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, kết nối với Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai và đi châu Âu.