Tờ Guardian cho hay, khi cô con gái Yumi làm việc tại công ty điện tử Samsung, ông Hwang Sang-ki không khỏi tự hào. Bởi có công việc tại đây, Yu-mi có thể kiếm tiền giúp đỡ gia đình và hi vọng sẽ đủ tiền cho em trai học Đại học.
Nhưng tới năm 2007, 5 năm sau khi bắt đầu làm việc tại một trong những nhà máy bán dẫn của Samsung, Yu-mi qua đời trên ghế sau taxi khi ông đang đưa cô tới bệnh viện.
Cô gái 23 tuổi này đã được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Đây là căn bệnh mà cô cho rằng do tiếp xúc với hóa chất độc hại khi làm việc tại nhà máy Samsung ở Suwon.
"Tôi không tin Samsung khi họ nói rằng bệnh của Yu-mi không thể do sự tiếp xúc hàng ngày với các hóa chất này", ông cho hay.
Ông Hwang Sang-ki cho biết, khi còn sống, con gái nói công việc hàng ngày là nhúng các bộ phận bán dẫn vào chất lỏng có chứa hóa chất sau đó đưa ra ngoài.
Sở dĩ ông Hwang nghi ngờ về lời giải thích, do ông biết được một đồng nghiệp của con gái cũng bị căn bệnh này và qua đời.
|
Đài NHK của Nhật Bản cũng từng nói đến trường hợp của Kim Eun-kyong - cựu nhân viên trong dây chuyền sản xuất chip suốt 5 năm trời tại Samsung hồi những năm 1990. Chỉ 10 năm sau khi nghỉ việc, cô bị bệnh bạch cầu. Vào thời điểm năm 2014, cô đang trải qua đợt hóa trị và làm tình nguyện viên trong nhà thờ.
Theo lời cô Kim, công việc hàng ngày của cô là nhúng một miếng vải vào chất lỏng rồi lau chip. Cô cho hay, thùng chứa chất lỏng luôn được đặt trên bàn và đậy nắp. Các công nhân sử dụng chất lỏng giống như nó là nước. Trong quá trình làm việc, cô thấy trên thùng chứa có chữ viết tắt là TC. Đây có thể là dung môi công nghiệp được gọi là trichloroethylene.
Hay như trường hợp cô Han He-gyong con gái bà Kim Si-nyeo cũng được chẩn đoán mắc u não hồi năm 2005. Thời điểm được chẩn đoán mắc ung thư là 4 năm sau khi cô nghỉ việc ở Samsung. Bà Kim cho rằng: "Con gái tôi hít nhiều dung dịch chứa chì và dung môi hữu cơ. Đó là lý do tại sao tôi tin bệnh tật của con gái liên quan đến công việc".
Hồi năm 2014, Han bị liệt một phần cơ thể và khó nói sau vài lần phẫu thuật não. Thấy con gái như vậy, bà Kim hứa với con gái sẽ không từ bỏ cho đến khi chứng minh được mối liên quan giữa công việc và bệnh tật của con.
Bà Kim chua xót nhớ lại, khi con gái được nhận vào làm ở Samsung, bà đã tổ chức một bữa tiệc và mời bạn bè tham dự. "Con gái làm việc cho công ty lớn nhất Hàn Quốc, vì vậy chúng tôi có lý do để ăn mừng", bà chua xót nói.
Kể từ năm 2008, 58 công nhân đã nộp đơn xin bồi thường về an toàn lao động từ Chính phủ. Chỉ có 10 người đã nhận được tiền, phần lớn trong đó là sau nhiều năm thương lượng. Một nửa trong số 46 yêu cầu khác bị từ chối và nửa còn lại vẫn được xem xét.
Bản thân ông Hwang Sang Gi cho biết, Samsung ngỏ ý bồi thường 1 tỷ Won (khoảng 864.000 USD) hồi năm 2007 nhưng ông từ chối và cùng 4 công nhân khác làm trong dây chuyền bán dẫn nộp đơn đòi bồi thường cho người lao động.
Những bí mật đằng sau
Theo điều tra của AP, cơ quan chức năng Hàn Quốc không cung cấp thông tin về hóa chất mà công nhân tiếp xúc khi sản xuất chip và màn hình LCD cho các công nhân và gia đình họ.
Lim Ja-woon - luật sư đại diện cho 15 nhân viên của Samsung nói, các khách hàng của Lim không thể nhận được các báo cáo đầy đủ về kiểm tra các cơ sở sản xuất, chỉ có trích dẫn một số kiểm tra độc lập trong 1 số phán quyết của tòa án.
Khi giải thích về việc che giấu thông tin, công ty cho rằng đó là bảo vệ bí mật thương mại.
Trong một bài viết của AP năm 2016, hãng này cho hay, mặc dù Samsung không bỏ sót danh sách hóa chất như đã làm trong trường hợp của Hwang Yu-mi. Tuy nhiên, thông tin về mức độ tiếp xúc hay cách các hóa chất này được kiểm soát vẫn không được tiết lộ.
Nhiều công nhân vẫn đang chờ bồi thường |
AP dẫn tuyên bố của Samsung trên Website cho hay, hệ thống quản lý của công ty nghiêm ngặt và tân tiết. Công ty giám sát hóa chất theo thời gian thực 24/7 tại các nhà máy từ năm 2007 - đây cũng là thời điểm mà cái chết của Yu-mi bắt đầu được cơ quan chức năng điều tra.
Tuy nhiên, Samsung đã bắt đầu theo dõi một số sản phẩm phụ độc hại được phát hiện trong lần kiểm tra hồi năm 2012 gồm benzen và formaldehyde tại nhà máy sản xuất chip.
Hồi năm 2014, Tổng giám đốc điều hành Samsung đã đưa ra lời xin lỗi mang tính chính thức gửi tới công nhân đang mắc bệnh và cam kết trao cho các công nhân này tài liệu mà họ cần để bồi thường.
Cũng năm 2014, Phó Chủ tịch Samsung Kwon Oh Hyun đã lên tiếng xin lỗi các nạn nhân và gia đình. Ông cho hay: "Chúng tôi lấy làm tiếc đã không tìm thấy một giải pháp cho vấn đề nhạy cảm này một cách kịp thời và muốn dùng cơ hội này để bày tỏ lời xin lỗi chân thành của chúng tôi đối với những người bị ảnh hưởng)