Theo thông tin từ Ban quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23/1/2023 (mùng 2 tháng Giêng) đến 23/4/2023 (ngày 4/3/2023) tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong đó, lễ khai hội tại chùa Thiên Trù sẽ rơi vào ngày 27/1/2023 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão).
Năm nay, lễ hội chùa Hương với chủ đề “an toàn, văn minh, thân thiện” sẽ được tổ chức quy mô cấp huyện nhằm mục đích tôn vinh giá trị quần thể khu Di tích Quốc gia đặc biệt Thắng cảnh Hương Sơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, huyện sẽ tập trung vào công tác quảng bá hình ảnh chùa Hương thân thiện, mến khách cũng như người tham gia phục vụ du khách phải văn minh, lịch thiệp.
Song song đó, ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2023 cũng sẽ thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát vé thắng cảnh và một tổ liên ngành nhằm quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo để đảm bảo an ninh trật tự không gian lễ hội.
Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương 2023 chính là đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé cũng như bỏ việc bán vé ở hai cổng Tiên Mai và Đông Khê để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan và trẩy hội.
Do đó, vào dịp Tết Quý Mão năm nay, du khách có thể yên tâm khi đến đây để hòa mình vào không khí tưng bừng cùng những hoạt động văn hóa đặc trưng, hấp dẫn của lễ hội để chào đón năm mới.
Lễ hội chùa Hương tuy đơn giản nhưng chứa đựng các giá trị truyền thống và hào sảng của cả đất nước nói chung và nơi địa phương, chốn chùa chiền linh thiêng nói riêng. Không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài, bầu trời cảnh tiên mà du khách tham quan còn được trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam.
Bên cạnh đó, lễ hội chùa Hương còn mang ý nghĩa to lớn, ghi đậm dấu ấn văn hóa qua các nghi thức trong hội, trong đó:
- Phần lễ: Thể hiện niềm tin về một tôn giáo chung ở Việt Nam, sự sùng bái tự nhiên của mỗi Phật tử và du khách về Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo. Trong đó, nghi thức đầu tiên của phần lễ chính là “mở cửa rừng” hàm chứa ý nghĩa mới, mở cửa chùa và khai lễ.
- Phần hội: Là sự kết hợp giữa những nét văn hóa dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời. Điều này còn thể hiện sự khát vọng của con người với những giá trị chân - thiện - mỹ. Qua đó, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động đặc sắc như chèo thuyền, leo núi, hát chầu văn,...
Ngoài ra, lễ hội chùa Hương còn thể hiện khát vọng hòa hợp giữa thực - mơ và tiên - tục. Theo đó, thực là nền tảng còn mơ là uất vọng trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà người Việt Nam thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.
Để có một chuyến đi hành hương du xuân an toàn và trọn vẹn, bạn có thể cần biết đến một số điều sau đây:
- Chuẩn bị trang phục: Du khách tham gia cần mặc những trang phục lịch sự, kín đáo với màu sắc nhã nhặn. Đồng thời, hãy nên chọn những bộ quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt vì rất đông khách thập phương đến hành hương vào dịp lễ hội.
- Bảo quản đồ dùng cá nhân: Lễ hội thường rất đông người đến hành hương nên đây chính là dịp để cho những kẻ xấu dễ dàng thực hiện hành vi ăn cắp của mình. Vì vậy, bạn cần chú ý bảo quản đồ đạc, tư trang cá nhân để tránh bị mất đồ.
- Hỏi và trả giá trước khi mua: Du khách cần hỏi giá cả rõ ràng để tránh trường hợp mua đồ bị “hớ” khi giá cả hàng hóa bị “đội” lên gấp nhiều lần vào dịp lễ hội.