Liệu châu Á có sẵn sàng đón chào khi ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại'?

Trước đó, trong 4 năm ông Trump nắm quyền, lòng tin của công chúng về nền dân chủ kiểu Mỹ đã bị sứt mẻ ít nhiều và châu Á thì đang bộn bề với những bất ổn riêng.

Ngày 24/11, khi giới thiệu đội ngũ an ninh mới, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố: "Nước Mỹ đã trở lại. Chúng tôi sẵn sàng dẫn dắt thế giới thay vì trốn tránh như xưa".

Đứng sau vị tổng thống đắc cử của Đảng Dân chủ là một loạt các chuyên gia chính sách đối ngoại giàu kinh nghiệm như ông Antony Blinken, người được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ; ông Jake Sullivan, dự kiến sẽ giữ chức cố vấn an ninh quốc gia; và 4 quan chức kì cựu khác.

Tại cuộc họp báo, ông Biden hứa sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, chiến lược mà ông coi là "Nước Mỹ cô độc".

Thế chỗ cho chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ là sự quay trở lại của các chính sách hậu Chiến tranh Lạnh truyền thống, tập trung hơn đến các đồng minh và chủ nghĩa đa phương. Đặc biệt, dân chủ là nguyên tắc tổ chức cốt lõi.

Trong một bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 3, ông Biden cũng từng đề cập đến nguyên tắc trên: "Trước tiên và quan trọng nhất, chúng ta phải tu sửa và phục dựng lại nền dân chủ của chính nước Mỹ".

Tuy nhiên, ý tưởng lớn thường sẽ đối mặt thực tế phũ phàng. Sau khi ông Trump nắm quyền 4 năm, thế giới đã thay đổi và quyền lực địa chính trị ngày càng chi phối trật tự toàn cầu.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 1.

Ba trụ cột chính trong sứ mệnh mà ông Biden đề ra - chủ nghĩa đa phương, liên minh và dân chủ, đều bị tổn hại nghiêm trọng đến mức khó có thể cứu vãn được. Thực trạng này thể hiện rất rõ tại châu Á. Đặc biệt, chính quyền ông Biden đang muốn xây dựng một liên minh thống nhất cùng các đồng minh và đối tác để kìm hãm Trung Quốc, song mục tiêu này rất phức tạp.

Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Kavi Chongkittavorn - cựu Trợ lí đặc biệt của Tổng thư kí ASEAN và chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Chulalongkorn - cho rằng Mỹ "đang quay lại châu Á với một cái tôi sứt mẻ".

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 2.

Đầu tiên, sự phụ thuộc kiểu cũ vào các thể chế đa phương đang bị cản trở bởi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức đó. "Chính quyền của ông Biden sẽ gặp nhiều khó khăn từ ngày đầu", ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie Tsinghua cho hay.

Trụ cột thứ hai, hệ thống liên minh của Mỹ, cũng đang rất bất ổn. Ông Trump đã rút quân Mỹ khỏi Đức và công khai bày tỏ rằng Washington có thể sẽ không bảo vệ các đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 9 năm nay, trong số các đồng minh và đối tác lớn như Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, uy tín của Mỹ đã sụt giảm đáng kể dưới thời ông Trump.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 1.

Thứ ba, thế giới bây giờ không còn nhiệt tình với ý tưởng dân chủ như trước. Hình ảnh của Mỹ đã sa sút nghiêm trọng vì hành vi bạo lực của cảnh sát với người biểu tình ôn hòa, hỗn loạn bầu cử và trên hết là phản ứng yếu kém của Washington trong đại dịch Covid-19.

Ông Bilahari Kausikan, cựu thư kí thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, cho biết sự xuống cấp của nền dân chủ và các thế chế tại Mỹ "chứng thực rằng lo sợ của chúng tôi về những mặt trái của nền dân chủ kiểu Mỹ là có cơ sở".

Dù uy tín của nền dân chủ bị sa sút, trụ cột thứ ba vẫn là trọng tâm trong chiến lược đối ngoại của cặp đôi Biden - Blinken. "Giải pháp cơ bản, nền tảng cho những thách thức của chúng ta thực chất chính là nền dân chủ. Bởi vì, khi nền dân chủ hoạt động, nó chính là nền tảng sức mạnh của chúng ta ở cả trong nước và trên trường quốc tế", ông Blinken chia sẻ hồi tháng 7.

Trong một bài xã luận đồng tác giả với chuyên gia Robert Kagan năm ngoái, ông Blinken còn ủng hộ ý tưởng thành lập một "liên minh dân chủ" hay "mạng lưới hợp tác dân chủ" để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo Nikkei, ý tưởng về một liên minh dân chủ còn khá mơ hồ và có thể khiến các nước châu Á mà Mỹ muốn hợp tác cùng như Philippines, Việt Nam và Thái Lan xa lánh chính quyền Washington.

Ông Kausikan nhận định: "Thành bại phần nhiều sẽ phụ thuộc vào ý định thực sự của chính quyền ông Biden..."

"Nếu ông Biden chỉ xem dân chủ là một phương tiện để tạo khác biệt với ông Trump thì không sao. Tuy nhiên, nếu đây là chính sách mà Mỹ có ý định tích cực theo đuổi thì ông ta nên hiểu rằng không phải tất cả mọi người, kể cả bạn bè và đồng minh của Mỹ, đều có cùng quan điểm về dân chủ hoặc chia sẻ các giá trị Mỹ", ông Kausikan tiếp tục.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 4.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 5.

Tháng 4/2015, khoảng 4 tháng sau khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Blinken đã tiếp đón người đồng cấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington. Cuộc họp diễn ra suôn sẻ, các nhà lãnh đạo thảo luận qua nhiều vấn đề từ an ninh hàng hải đến biến đổi khí hậu.

Cuối năm 2015, với sự khuyến khích của Mỹ, Nhật - Hàn đạt được thỏa thuận. Nhật Bản sẽ bồi thường cho "những người phụ nữ mua vui" trong Thế chiến II, và đổi lại Hàn Quốc sẽ dỡ bức tượng "phụ nữ mua vui" trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Blinken rời chính quyền Obama vào năm 2017, một bức tượng tương tự lại được dựng lên ở thành phố Busan, Hàn Quốc. Tức giận, Nhật Bản triệu hồi các nhà ngoại giao và rút khỏi thỏa thuận năm 2015.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 2.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 7.

Bây giờ, khi ông Blinken trở lại Bộ Ngoại giao Mỹ, quan hệ giữa Tokyo và Seoul đã rơi xuống mức thấp và bất đồng Nhật - Hàn cũng chỉ là một điểm nhức nhối tại một khu vực đang có nhiều bất ổn như châu Á.

Trung Quốc ngày càng táo bạo trong các tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời còn gây sức ép với đảo Đài Loan; đường ranh giới giữa Hong Kong và đại lục ngày càng mờ nhạt; và Triều Tiên chưa hết biến động, Nikkei liệt kê.

Các vấn đề liên tục phát sinh tại châu Á kể từ khi đội ngũ của ông Biden nắm quyền lần cuối. Thỏa thuận TPP mà ông Blinken từng giúp xây dựng đang diễn ra mà không có Mỹ, khiến vị thế lãnh đạo của Washington trong thương mại khu vực sa sút.

Lễ kết hiệp định RCEP gần đây cũng không có sự tham gia của Mỹ. Giới quan sát coi đây là lời cảnh tỉnh đối với Washington: Châu Á bây giờ có thể dễ dàng đạt được thỏa thuận đa phương mà không cần Mỹ.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 8.

Trong vài năm qua, các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương có xu hướng phụ thuộc vào Mỹ về an ninh và lệ thuộc Trung Quốc về thương mại. Tuy nhiên, bây giờ các nước trong khu vực lại ưu tiên kinh tế hơn các lo ngại về an ninh. Theo một báo cáo mới của viện chính sách Rand Corp. (Mỹ) thì họ thực chất lo sợ về ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế hơn là về quân sự.

Theo một số chuyên gia, chiến lược liên minh dân chủ của cặp đôi Biden - Blinken cần được coi trọng nhưng không được hiểu quá hẹp.

Đối với các đồng minh lâu năm và cùng chia sẻ lợi ích chiến lược với Mỹ nhưng phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc như Nhật Bản và Australia thì việc đề cập đến một liên minh dân chủ "có thể đẩy họ vào thế khó xử".

Là trụ cột của hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Á, Nhật Bản có thể sẽ là một nước sẵn sàng tham gia vào liên minh dân chủ. Tuy nhiên, do căng thẳng thương mại với Mỹ và thái độ chưa rõ ràng của Washington với châu Á, Nhật Bản cũng đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuối cùng thì "các nước này vẫn phải đối mặt với thực tế đầy thách thức từ Trung Quốc", ông John Lee, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Julie Bishop, cho hay.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 9.

Ngoài ra, Ấn Độ, một trụ cột quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền ông Trump theo đuổi, thường ngần ngại với các liên minh/thỏa thuận. Ấn Độ không tham gia hiệp định RCEP mà Trung Quốc là thành viên chủ chốt, song họ cũng không mấy nhiệt thành trong "bộ tứ kim cương" QUAD cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 10.

Sau khi đánh giá kĩ lưỡng, một số chuyên gia cho rằng lời kêu gọi thống nhất các nền dân chủ của bộ đôi Biden - Blinken có nhiều hàm ý hơn là chính sách đối ngoại.

Ông Biden nói 'nước Mỹ đã trở lại', liệu châu Á có sẵn sàng đón chào? - Ảnh 11.

Trước hết, việc tập trung vào ý tưởng dân chủ giúp ông Biden tạo điểm khác biệt với chính quyền Tổng thống Trump trong mắt công chúng trong và ngoài nước Mỹ.

Thứ hai, theo đuổi chiến lược dân chủ cũng giúp chính quyền ông Biden gia tăng sự đồng thuận chính trị ở Washington bằng cách thu hút một nhóm quan chức quan trọng của Đảng Cộng hòa.

Theo Nikkei, các quan chức trên là những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, không ủng hộ ông Trump và quyết định rời Đảng Cộng hòa sau khi ông Trump lên nắm quyền. Họ cũng thường ủng hộ thúc đẩy phong trào dân chủ và can thiệp dân chủ ở nước ngoài.

Tổng thống đắc cử Joe Biden từng nói ưu tiên hàng đầu của ông là chấm dứt đại dịch COVID-19, khôi phục kinh tế và khôi phục lòng tin của người dân vào chính phủ Mỹ.

Nhiều mục tiêu trong nước, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng, đều cần sự hợp tác của Trung Quốc và đều là các lĩnh vực mà ông Biden muốn tìm kiếm điểm chung.

Ông Clayton Dube, Giám đốc Viện Mỹ - Trung tại Đại học Nam California, cho biết dù ông Blinken đưa ra thông điệp ủng hộ dân chủ để kiềm chế Bắc Kinh, chính quyền Biden sẽ không áp dụng chiến lược bài Trung.

Theo ông Dube, chiến lược của ông Blinken có thể trấn an các đồng minh về thái độ sẵn sàng hợp tác của Mỹ, trong khi ông Biden tập trung giải quyết các mối lo trong nước như đại dịch và kinh tế trước.

"Thực chất ông Blinken đang phát đi thông điệp cho khán giả trong nước, song ông cũng gửi tín hiệu cho những đồng minh đang nghi ngờ cam kết của Mỹ về ý tưởng liên minh dân chủ", ông Dube nhấn mạnh.

Bà Leslie Vinjamuri từ tổ chức Chatham House cũng chỉ ra rằng nhóm của ông Biden không coi Trung Quốc là kẻ thù dù họ có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Bà Vinjamuri nói: "Tôi nghĩ có một sự công nhận rất rõ ràng rằng hợp tác Mỹ - Trung là chìa khóa mở ra giải pháp cho tất cả các thách thức toàn cầu".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.