Lô cổ phần gần 1.200 tỉ đồng của HUD Kiên Giang còn 3 nhà đầu tư cạnh tranh

Chỉ còn một cá nhân và hai tổ chức đăng ký mua hơn 34,8 triệu cổ phần tại HUD Kiên Giang do HUD thoái vốn.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần theo lô của CTCP Đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang (HUD Kiên Giang) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) sở hữu.

Theo đó, có 3 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, bao gồm hai tổ chức và một cá nhân. Tổng khối lượng cổ phần theo lô đăng ký mua là 104,5 triệu. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào 15h ngày 21/12.

Trước đó, Hội đồng thẩm định HUD đã công bố danh sách 12 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện về năng lực tham gia đấu giá mua cổ phần theo lô của HUD Kiên Giang. Cụ thể, gồm: 4 nhà đầu tư cá nhân và 8 nhà đầu tư tổ chức.

Trong đó, có sự tham gia của CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CTCP Tư vấn Đầu tư Bluechip IB, CTCP Phát triển Thương mại Hòa Phát, CTCP Dịch vụ Đầu tư và Quản lý Bất động sản Việt, CTCP IVLAND,...

Còn 3 nhà đầu tư cạnh tranh lô cổ phần gần 1.200 tỉ đồng của HUD Kiên Giang - Ảnh 1.

Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 của HUD. (Ảnh: HUD).

Mới đây, HUD đã có bản công bố thông tin bổ sung vào bản công bố thông tin đấu giá làm rõ hơn những rủi ro liên quan đến dự án Suối Lớn.

Cụ thể, tháng 1/2017, HUD Kiên Giang đã ký hợp đồng nguyên tắc với CTCP Đầu tư BĐS Tuấn Thành (gọi tắt là Tuấn Thành) về việc đầu tư và khai thác dự án Suối Lớn. Diện tích hợp tác đầu tư và khai thác dự kiến là 89,7 ha. Trong đó, diện tích đã hoàn thành công tác bồi hoàn là 78,7 ha, diện tích chưa có phương án bồi hoàn là 11 ha.

Bên HUD Kiên Giang cam kết góp 96 tỷ đồng, tương đương 51% dự án bằng diện tích khoảng 78,7 ha. Bên Tuấn Thành góp 49%, tương đương 92,2 tỷ đồng. Bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng nguyên tắc thì bị phạt tiền 10 tỷ đồng.

Tuấn Thành đã nộp 40 tỷ đồng bằng hình thức thỏa thuận tiền gửi vào tài khoản nhưng đến tháng 10/2018, HUD Kiên Giang muốn hủy hợp đồng nguyên tắc do hợp đồng không phù hợp với quy định hiện hành. 

Công ty đã gửi toàn bộ hồ sơ ủy nhiệm chi, giấy đề nghị tất toán tài khoản gửi Ngân hàng Á Châu. Công ty Tuấn Thành không đồng ý hủy bỏ hợp đồng và sau đó không có phản hồi lại.

HUD Kiên Giang khẳng định chưa bao giờ tạm bàn giao hoặc bàn giao bất kỳ diện tích đất đai nào của dự án Suối Lớn cho Tuấn Thành và cũng chưa sử dụng số tiền doanh nghiệp này đóng vào tài khoản đồng sở hữu.

Những vấn đề trên có thể gây ra rủi ro liên quan đến việc đền bù thiệt hại tài chính với số tiền phạt là 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, HUD Kiên Giang cũng thừa nhận một số rủi ro của dự án liên quan đến vướng mắc pháp lý như chưa hoàn tất thủ tục đầu tư dù đã kéo dài nhiều năm, chưa hoàn thành điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa tính tiền sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng,...

Trước đó, tháng 11/2020, HUD đã công bố kế hoạch thoái toàn bộ 34.845.100 cp, tương ứng 98,15% vốn tại HUD Kiên Giang thông qua hình thức bán đấu giá với giá khởi điểm khoảng 1.184 tỷ đồng (34.000 đồng/cp).

HUD Kiên Giang tiền thân là Công ty Xây dựng Kiên Giang, do UBND tỉnh Kiên Giang thành lập năm 1993. Ngày 1/1/2008, doanh nghiệp này trở thành công ty con của HUD. Doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa từ năm 2014. Tại ngày 31/12/2019, vốn điều lệ của công ty là 355 tỉ đồng.

HUD Kiên Giang sở hữu hai dự án qui mô lớn tại Kiên Giang, gồm Khu dân cư và đô thị Suối Lớn tại xã Dương Tơ, Phú Quốc và Khu du lịch Bãi Chén tại xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải.

Trong đó, Khu dân cư và đô thị Suối Lớn được duyệt qui hoạch vào năm 2007 với qui mô 187 ha, đến năm 2011 được điều chỉnh lên gần 281 ha và đến năm 2012 giảm xuống còn 90,17 ha.

Nằm trong ranh giới dự án còn có khoảng 33,47 ha đất thuộc quĩ dự trữ phát triển, để sử dụng trước năm 2025 cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đưa vào sử dụng.

Hiện tại, dự án vẫn còn 8,36 ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng với số tiền cần bồi thường 1,19 tỉ đồng. Đồng thời, dự án đang chờ cập nhật qui hoạch chi tiết vào qui hoạch điều chỉnh chung của huyện Phú Quốc để trình UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt chấp thuận đầu tư.

Còn Khu du lịch Bãi Chén được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2004. Đến năm 2009, tỉnh giao 19.294 m2 đất cho HUD Kiên Giang và tiếp tục cho công ty thuê thêm 22.871 m2 đất vào năm 2010 để thực hiện dự án.

Năm 2012, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 85,5 tỉ đồng. Từ đó đến nay, dự án chậm triển khai và đã nhiều lần được gia hạn tiến độ.

Hiện nay, dự án còn 6.000 m2 chưa được giải phóng mặt bằng. Tại thời điểm ngày 30/6/2020, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án này hơn 5,6 tỉ đồng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.