Lô hàng gạo thơm đầu tiên của Lộc Trời Group xuất sang EU theo Hiệp định EVFTA

Lô hàng gạo thơm của Tập đoàn Lộc Trời (LTG) xuất khẩu sang Châu Âu là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo qui cách 18 kg.

Sáng ngày 22/9, tại Nhà máy lương thực Thoại Sơn (một trong 5 công ty lương thực trực thuộc Tập đoàn Lộc Trời) tại huyện Thoại Sơn, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm của Tập đoàn Lộc Trời sang châu Âu theo hiệp định EVFTA.

Lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo qui cách 18 kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020. Đây là lô hàng gạo đầu tiên xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế 0% theo EVFTA, sau mặt hàng tôm, cà phê, chanh dây và trái cây tươi.

126 tấn gạo thơm đầu tiên của Lộc Trời Group xuất sang EU theo EVFTA - Ảnh 1.

Lễ cắt băng công bố xuất khẩu lô hàng gạo sang EU. (Ảnh: CTTĐT An Giang)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: "Với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. 

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành qui trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU."

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: "Với các chính sách phát triển thị trường, các đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt chính là nền tảng của những hiệp định như EVFTA, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên cả nước xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường cao cấp. 

Theo đó, muốn xuất khẩu vào các thị trường này cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Và với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp, Tập đoàn Lộc Trời sẽ tận dụng những ưu đãi, đưa hạt gạo Việt Nam nói riêng và nông sản Việt nói chung đến các thị trường trên khắp thế giới". 

126 tấn gạo thơm đầu tiên của Lộc Trời Group xuất sang EU theo EVFTA - Ảnh 2.

Lô hàng gạo đầu tiên xuất sang EU theo EVFTA. (Ảnh: CTTĐT An Giang)

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường cao cấp và theo đặt hàng của doanh nghiệp, An Giang đã triển khai tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) đến với 1.200 hộ nông dân, với tổng diện tích qua các mùa vụ là 22.000 ha. 

Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng được nhiều chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn, hướng đến sản xuất hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”, ông Thư cho biết.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỉ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD.

Theo Qui định tại EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm asmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.

Hiện gạo của Việt Nam sang EU vẫn còn nhiều tiềm năng. Cụ thể, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang EU 50.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 28,5 triệu Euro; trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn với kim ngạch 1,4 tỉ Euro. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, bằng 1/10 Myamnar và bằng 1/4 Campuchia.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.