Sau Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa trở thành điểm đến của làn sóng đầu tư mới trên thị trường bất động sản. Cách đây chưa đến 10 năm, cơ sở hạ tầng TP Thanh Hóa còn hạn chế, du lịch vắng khách, phát triển theo mùa vụ,... thì nay diện mạo ấy đã thay đổi nhờ loạt công trình hạ tầng giao thông, khu đô thị và nhiều dự án lớn.
Đáng ghi nhận nhất là giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ phát triển khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhanh. Các khu đô thị mới với hàng chục mặt bằng quy hoạch được xây dựng, đưa các khu dân cư lụp xụp với hạ tầng thấp, các vùng ven đô trở thành khu dân cư mới đồng bộ, hiện đại.
Về giao thông, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp 154,4 km đường giao thông nội thị, 239 km cống, rãnh tiêu thoát nước, hạ ngầm 81 km đường điện chiếu sáng, 148 km cáp viễn thông; nâng cấp, lắp đặt 165 trạm biến áp và 119,5 km đường dây điện; cải tạo nâng cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống công viên, quảng trường, hồ nước, vườn hoa công cộng.
Riêng trong năm 2020, với việc liên tiếp hai dự án lớn được khởi công là: Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 nối hai tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa và dự án đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa đã có bước khởi đầu đầy hứa hẹn để thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông.
34.864 tỷ đồng là tổng mức đầu tư của 43 dự án giao thông dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Thanh Hóa. Các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại sẽ là "cú hích" cho địa phương này đến gần hơn với mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển khu vực phía Bắc, bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Bên cạnh việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng tuyến đường Voi - Sầm Sơn, đại lộ Nam Sông Mã, nhiều tuyến giao thông quan trọng khác trên địa bàn thành phố như: Đường tránh phía tây, đại lộ Đông - Tây cũng đã được đầu tư, góp phần tăng khả năng kết nối và phát triển thành phố theo hướng Đông – Tây.
Các dự án của FLC, Vingroup, các khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở xã hội,... đã giúp cho bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh đó, với vị trí Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số, với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch,...
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hoá trong năm 2020 ước đạt 6,08% cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 29.000 tỷ đồng.
Những yếu tố kể trên khiến thị trường bất động sản phát Thanh Hóa được kỳ vọng có nhiều lợi thế và dư địa để tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai.
Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước. Từ năm 2020, loạt doanh nghiệp lớn như Foxconn, AEON, WHA Industrial Development PLC,... đã đổ dòng tiền vào đây đầu tư.
Tháng 1/2021, Tập đoàn Foxconn Việt Nam đã đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn khảo sát địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.
Ba địa điểm có thể phù hợp để đặt nhà máy tỷ USD sản xuất linh kiện, thiết bị cho ông lớn công nghệ Apple tại Thanh Hóa là khu kinh tế Nghi Sơn, KCN phía Tây TP Thanh Hóa, hoặc KCN tại huyện Thiệu Hóa.
Trước đó, tháng 12/2020, Thanh Hóa cũng có thêm dự án trung tâm thương mại AEON MALL, với tổng vốn đầu tư trên 190 triệu USD.
Ngoài Foxconn và AEON, Công ty WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đã quyết định nghiên cứu đầu tư hai dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa trị giá 335 triệu USD.
Dự án thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp số 21 quy mô 539 ha, thuộc khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn; dự án thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Quý, quy mô dự kiến 800 ha tại huyện Hoằng Hóa.
Ngoài ra, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với CTCP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu, các đối tác về dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp số 6 tại khu kinh tế Nghi Sơn trên khu đất rộng 395 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Không chỉ thu hút dòng vốn ngoại, Thanh Hóa còn là mảnh đất mà các ông lớn trong nước như FLC, Vingroup, Sungroup, Eurowindow đã rót nhiều nghìn tỷ đồng vào đầu tư với các siêu dự án như: FLC Sầm Sơn, Flamingo Crown Bay, trung tâm thương mại Vincom Trần Phú, cao ốc Văn Phòng kết hợp khách sạn Vinpearl Trần Phú, khu đô thị Vinhomes Star City, khu đô thị Eurowindows, khu đô thị Đông Hải…
Thanh Hóa cũng đã ghi nhận hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập đáp ứng nhu cầu về nhà xưởng và kho bãi cho các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan trong bối cảnh các thành phố công nghiệp cấp 1 như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,... khan hiếm quỹ đất.
Các siêu dự án mang lại sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội cho tỉnh Thanh Hóa. Diện mạo đô thị loại I TP Thanh Hóa ngày càng thay đổi rõ nét, các khu vực vùng ven cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Từ đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều dự án bất động sản mới. Đặc biệt, các dự án đấu giá đất nền cũng là một phân khúc bất động sản được chú ý và quan tâm tại Thanh Hóa.
Chỉ tính từ tháng ba tới nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 10 dự án được phê duyệt quy hoạch.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt nhiệm vụ và lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị số 7 có quy mô 225 ha, thuộc khu kinh tế Nghi Sơn.
Trước đó, khu dân cư mới tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, với quy mô 13 ha và dự kiến dân số là 2.500 người cũng được địa phương chính thức có quyết định lập quy hoạch.
Đầu tháng 4, UBND tỉnh cũng ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán khảo sát, lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.
Tổng diện tích điều chỉnh quy hoạch 10.659 ha. Dân số hiện trạng là 61.811 người; dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 158.000 người.
Trong tháng ba, Thanh Hóa lập quy hoạch khu tái định cư 3,3 ha cho dự án đường nối TP Thanh Hóa đến sân bay Thọ Xuân.
Khu tái định cư xã Đồng Tiến thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn có quy mô dân số khoảng 650 người.
Cũng trong thời gian này, Thanh Hóa có thêm cụm công nghiệp số 2 thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định. Dự án Khu xen cư số 2 phố Đồng Lễ, phường Đông Hải và dự án Khu xen cư phố Thành Yên, phường Quảng Thành đều nằm tại TP Thanh Hóa có tổng diện tích hơn 16.000 m2 với vốn đầu tư hơn 135 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án Khu dân cư mới phía Tây Bắc đường Cầu Kè, huyện Thọ Xuân. Dự án có quy mô 10,88 ha, tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng.
Thanh Hóa cũng là địa phương có nhiều khu tái định cư. Trong tháng ba, tỉnh này đã lập quy hoạch khu tái định cư dự án Bến En gần 1.500 ha của Sun Group.
Hồi đầu tháng 3, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái tổng hợp Tràng An tại phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn. Dự án có quy mô gần 26 ha với các hạng mục như biệt thự, khách sạn, nhà hàng, công viên,...
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 610.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần giai đoạn 2011 - 2015. Đây là mức cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 5 cả nước.
Tuy nhiên, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, hệ thống hạ tầng đô thị phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế. Các đô thị của tỉnh còn thiếu bản sắc, kiến trúc riêng tạo điểm nhấn cho đô thị.
Việc tổ chức các dịch vụ công, dịch vụ xã hội cơ bản ở nhiều đô thị mới còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Nhất là hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp và khu vực miền núi; huy động vốn tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế.
Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh này xác định huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa với nhiều giải pháp khác nhau.