Loạt doanh nghiệp thuê, mượn đất ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình làm ăn ra sao?

Trong kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ, hàng loạt doanh nghiệp đã được lãnh đạo, ban quản lý dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia chấp thuận cho thuê, mượn mặt bằng đúng quy định hơn 100.000 m2 đất.
Loạt doanh nghiệp thuê, mượn đất ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Khu vực Cung thể thao dưới nước cũng có nhiều vi phạm về sử dụng đất hiện có nhiều nhà hàng, quán cà phê, công ty nội thất đang hoạt động kinh doanh. (Ảnh: Hạ Vũ).

Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ ra loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất đai tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Hàng loạt doanh nghiệp đã được lãnh đạo, ban quản lý dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia chấp thuận cho thuê, cho "mượn" mặt bằng hơn 100.000 m2 đất.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được bàn giao bãi đỗ xe diện tích hơn 9,4 ha từ năm 2003. Công ty này đã khai thác, sử dụng khu đất trên nhưng đến nay chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc giao đất, đồng thời chưa phát sinh nghĩa vụ tài chính về đất là tiền thuê đất đối với Nhà nước.

Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thành lập từ năm 1996 do ông Bùi Đăng Thắng làm đại diện pháp luật kiêm Giám đốc. Gần nhất vào cuối tháng 6/2021, bà Nguyễn Thị Thuý Hương đã thay thế ông Thắng làm Giám đốc và đại diện cho công ty.

Thông tin chúng tôi có được, công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội hiện có vốn điều lệ 45,5 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 117 tỷ đồng, lãi gộp 13,6 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 2 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2019, công ty duy trì lợi nhuận sau thuế tương đối ổn định từ 1,8 - 2 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác đã thuê toàn bộ khu đất được quy hoạch làm công viên có diện tích hơn 1,17 ha để tổ chức sự kiện là CTCP Thương mại và Triển lãm Sao Việt. Doanh nghiệp thành lập từ năm 2005, vốn điều lệ hiện nay khoảng 9 tỷ đồng do ông Vũ Tiến Dũng làm đại diện pháp luật.

Bên cạnh những doanh nghiệp được cho thuê đất khu vực sát sân bóng Mỹ Đình và đường đua F1, lãnh đạo dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia còn cho các doanh nghiệp mượn không mất tiền nhiều diện tích đất khác.

Cụ thể, Giám đốc Khu Liên hợp cũng đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại và phát triển Xây dựng Thiên Sơn mượn 500 m2 đất để làm bãi rửa xe.

Loạt doanh nghiệp thuê, mượn đất ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Các căn nhà cấp 4 dọc sân vận động Mỹ Đình được cho mượn, không thu tiền; trước khi xây dựng đường đua F1 là các quán ăn, nhà hàng, cà phê. (Ảnh: Hạ Vũ).

Ngoài ra, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia cho CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Thành phố Xanh mượn 12 gian nhà cấp 4 có diện tích hơn 623 m2 và 639 m2 đất khác nhưng không thu tiền. 

Công ty Thành phố Xanh thành lập từ năm 2014 với vốn điều lệ 12 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Sau một năm thành lập, công ty tăng vốn lên 50 tỷ đồng và không đổi đến nay. Hiện đại diện pháp luật công ty là ông Hoàng Học Hải (nắm 20% vốn cổ phần).

Trong các doanh nghiệp thuê, mượn đất tại dự án Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Thành phố Xanh là công ty có quy mô vốn và quy mô doanh thu lớn nhất. Năm 2019, công ty ghi nhận 202 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với năm trước đó; lãi gộp đạt 94 tỷ đồng, tăng 13%. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 là 191 tỷ đồng.

Ngoài các trường hợp cho thuê, mượn đất, Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình còn ký hợp đồng hợp tác đầu tư trạm phân phối gas với Công ty TNHH Tân An Bình và giao cho công ty sử dụng 865 m2 đất nằm trong khuôn viên khu đất Cung thể thao dưới nước.

Tân An Bình thành lập từ năm 1999, chuyên sản xuất khí đốt, phân phối nhiên liệu khí do ông Trần Việt Tuấn làm đại diện pháp luật. Cập nhật gần nhất vào đầu năm 2020, vốn điều lệ doanh nghiệp là 30,1 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp thuê, mượn đất ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Nhà hàng Hoa An Viên trên khu đất thực hiện dự án Khu dịch vụ văn hoá du lịch Hoa An Viên. (Ảnh: Hạ Vũ).

Bên cạnh vấn đề cho thuê đất, Khu liên hợp thể thao quốc gia đang thực hiện 5 dự án liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh với tổng diện tích đất sử dụng gần 1,7 ha, trong đó có dự án Khu dịch vụ văn hoá du lịch Hoa An Viên (2.635 m2) tại khu vực Cung thể thao dưới nước. 

Đây là dự án mà Khu liên hiệp thể thao quốc gia đã ký kết với CTCP Dịch vụ và Đầu tư Viên Thành với thời hạn 15 năm, trong khi Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch chỉ cho phép 10 năm.

Viên Thành thành lập từ năm 2011 chuyên kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ ăn uống, do ông Tôn Thoại làm đại diện pháp luật. 

Một phần đất thực hiện dự án đang được dùng để kinh doanh nhà hàng Hoa An Viên, thương hiệu do một Việt kiều là ông Tôn Lâm gây dựng. Ông Tôn Lâm còn được biết đến từng làm Giám đốc điều hành khách sạn Vườn Thủ Đô (Capital Garden) tại trung tâm Hà Nội.

Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Viên Thành gần 1,7 tỷ đồng. Doanh thu cả năm đạt 12 tỷ đồng, song doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 195 triệu đồng. Năm 2018 trước đó, mặc dù doanh thu công ty đạt được cao nhất giai đoạn 2016 - 2019 là hơn 14 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thu về 168 triệu đồng lợi nhuận.

Nhà hàng và quán cà phê Aquaria tại Cung thể thao dưới nước. (Ảnh: Hạ Vũ).

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài nhà hàng Hoa An Viên, khu vực Cung thể thao dưới nước nơi có nhiều vi phạm về sử dụng đất hiện có một số đơn vị khác đang hoạt động kinh doanh.

Đơn cử, Công ty Công ty TNHH Nội Thất Đại Dương hiện đang mở showroom trên diện tích đất cung thể thao; Công ty TNHH Cộng Cà Phê cũng có một cửa hàng đang kinh doanh tại khu vực này; Quần thể nhà hàng và cà phê Aquaria...