Loạt dự án giúp xóa các 'nút cổ chai' ở TP HCM

Sau nhiều năm chậm trễ vì thiếu vốn, vướng mặt bằng, đường Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp, Chu Văn An… được mở rộng giúp giảm kẹt xe, chỉnh trang đô thị.

Chiều cuối tháng 7, trong căn nhà cấp 4 ven đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Năm thuê công nhân dọn dẹp và sửa lại phía trong sau khi giải tỏa phần lớn diện tích đất bàn giao cho dự án mở rộng đường. Ông Năm là một trong những hộ đầu tiên đồng thuận giao mặt bằng, dù căn nhà bị thu hẹp còn khoảng 50 m2 khiến sinh hoạt gia đình 4 người đảo lộn.

Dọc hai bên đường Nguyễn Thị Định, người dân đang giải tỏa nhà để chuẩn bị triển khai dự án mở rộng, ngày 25/7. (Ảnh: Gia Minh).

Với giá đền bù mỗi m2 đất khoảng 81 triệu đồng, tổng số tiền gia đình ông Năm nhận được hơn 5,6 tỷ đồng cho gần 70 m2 diện tích giải tỏa. Ông dự tính sửa lại nhà, chờ dự án mở rộng đường hoàn thành sẽ làm thêm quán ăn nhỏ buôn bán và ổn định đời sống.

Người đàn ông 54 tuổi cho biết nhiều năm nay đường Nguyễn Thị Định nhỏ hẹp nên thường xuyên kẹt xe, tai nạn. Do vậy, khi được vận động giao mặt bằng, dù "vẫn còn lăn tăn" so với giá thị trường nhưng ông đã đồng ý. "Nhà nhỏ lại, song đường rộng hơn sẽ giúp đi lại, buôn bán thuận tiện, gia đình hưởng lợi trực tiếp", ông Năm nói và mong dự án đúng tiến độ, tránh thi công chậm trễ.

Ông Võ Trí Dũng, Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết tổng diện tích thu hồi của dự án gần 64.000 m2 với 443 trường hợp bị ảnh hưởng. Phần lớn các hộ đã nhận tiền đền bù, đang giải tỏa, giao đất. Dự kiến, cuối tháng 9 việc giải phóng mặt bằng sẽ xong để chuẩn bị khởi công.

Nguyễn Thị Định là đường dẫn vào cảng Cát Lái - cảng lớn nhất nước về sản lượng hàng hóa. Trong đó, đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy (khoảng 2 km) nhỏ hẹp, qua các khu dân cư dày đặc và trường học nên xe trọng tải lớn đang phải đi tránh qua các tuyến đường khác.

Sắp tới, đoạn đường rộng 7-8 m này sẽ được mở rộng lên 30 m, kết hợp các công trình thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè... Dự án có mức đầu tư khoảng 2.075 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó tiền giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn với hơn 1.400 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2026.

Cũng tại Thủ Đức, dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp sau nhiều năm dang dở vừa được HĐND TP HCM đồng ý điều chỉnh chủ trương để thi công lại. Đoạn nâng cấp dài khoảng 1,8 km, từ cầu Nam Lý tới đường Nguyễn Duy Trinh. Với tổng mức đầu tư hơn 838 tỷ đồng, đoạn đường từ hai làn xe sẽ được mở lên 6 làn, rộng 27-30 m, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...

Đoạn đường Đỗ Xuân Hợp nhỏ hẹp, thường xuyên ngập khi mưa lớn. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Trước đó, dự án nâng cấp đường Đỗ Xuân Hợp đã được TP HCM thông qua chủ trương triển khai giai đoạn 2017-2021. Dự án khi đó có tổng vốn 528 tỷ đồng, với phần xây lắp và giải phóng mặt bằng. Gói thầu xây lắp đã được khởi công. Tuy nhiên, do bị vướng mặt bằng nên phải tạm ngưng đến nay.

Công trình mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp dự kiến hoàn thành năm 2025. Ngoài giúp giảm ùn tắc, dự án sẽ đồng bộ với cầu Nam Lý bắc qua sông Rạch Chiếc sắp khai thác. Dự án cũng giúp tăng kết nối với đại lộ Võ Nguyên Giáp (tên cũ là xa lộ Hà Nội), cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường Nguyễn Duy Trinh ra vào các cảng biển.

Tại nội đô thành phố, dự án nâng cấp đường Chu Văn An, đoạn từ ngã năm Bình Hòa tới Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh, cũng được kỳ vọng xóa tình tràng ùn tắc triền miên ở khu vực. Đoạn đường dài 600 m, rộng 6-7 m được ví như "nút cổ chai" sẽ được mở lên 23 m, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí làm công trình chủ yếu dành cho giải phóng mặt bằng khi chiếm đến 92% tổng vốn.

Kẹt xe trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, tháng 5/2024. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Theo Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, tổng diện tích đất làm dự án gần 11.000 m2 với 176 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 7 hộ giải tỏa trắng, còn lại di dời một phần. Kinh phí đền bù cho các hộ gần 982 tỷ đồng, còn lại phần xây lắp, dự phòng... chỉ chiếm phần nhỏ.

Dự kiến, cuối năm nay Bình Thạnh hoàn tất giải tỏa mặt bằng để khởi công dự án, hoàn thành toàn bộ năm 2026. Ngoài giảm ùn tắc, dự án góp phần chống ngập và chỉnh trang đô thị cho khu vực nội đô thành phố.

Ngoài các công trình trên, một số trục đường huyết mạch khác ở thành phố sắp hoàn thành mở rộng giúp cải thiện tình trạng ùn tắc, như đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp (vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng), Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân (hơn 1.200 tỷ đồng)... Trước đó, nhiều đoạn đường "thắt cổ chai" đã được mở rộng như Bùi Đình Túy, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh); đường Tô Ký, Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn)...

chọn
Tiến độ đường ven biển Nghệ An hơn 4.600 tỷ đồng
Theo kế hoạch, đường ven viển Nghệ An (Nghi Sơn - Cửa Lò) sẽ thi công nền đường xong trước ngày 30/4/2025; thi công móng, mặt đường xong trước ngày 30/6/2025; hoàn thành bàn giao dự án trước tháng 9/2025.