Dỡ nhà giao đất xây nút giao lớn nhất Vành đai 3 TP HCM

Nhiều hộ dân di dời, tháo dỡ nhà nhường đất làm dự án nút giao Tân Vạn ở Bình Dương, có tổng chi phí 1.800 tỷ đồng, thuộc Vành đai 3 TP HCM

 

Khu vực xây dựng nút giao và phối cảnh dự án.

Nút giao Tân Vạn thuộc dự án Vành đai 3 TP HCM đi qua TP Dĩ An dài 2,4 km, khởi công hồi cuối tháng 4/2024, dự kiến xây trong 3 năm. Đây là nút giao lớn và phức tạp nhất trong 10 nút giao trên dự án, kết nối quốc lộ 1. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn "da beo", nhiều ngôi nhà chưa di dời do vướng đền bù, giải tỏa.

Vành đai 3 TP HCM đi qua Bình Dương dài 26,6 km. Điểm đầu từ nút giao Tân Vạn dài 2,4 km, đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đã xây dựng 6 làn xe chạy dài 15,3 km). Đoạn còn lại dài 8,9 km từ nút giao Bình Chuẩn đến cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn.

 

Từ tháng 7, nhiều gia đình ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An, bắt đầu dọn dẹp, dỡ nhà để giao mặt bằng cho các đơn vị thi công xây nút giao.

Theo UBND TP Dĩ An, đến nay Vành đai 3 qua địa phương đã được gần 90% hộ dân đồng thuận. Các trường hợp thuộc diện thu hồi đất đã tháo dỡ công trình, nhà ở, di dời tài sản bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công để rào chắn, khoan thăm dò địa chất.

 

Nhà đình anh Nguyễn Thanh Đăng, ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An, bắt đầu dọn dẹp, chuyển đồ đạc đến nhà mới, giao mặt bằng cho chủ đầu tư sáng 23/7.

Để triển khai nút giao Tân Vạn, Dĩ An có 511 trường hợp phải giải tỏa, được bồi thường nằm ở hai phường Bình Thắng và Bình An, với diện tích thu hồi khoảng 350.000 m2.

 

 

Sau khi nhận được đền bù, gia đình anh Đăng huy động nhân lực chuyển đồ đạc ra ngoài.

 

Nhiều nhà dân nằm trên trục đường chính của cầu vượt đã bắt đầu đập bỏ, thu dọn xà bần để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Sau hơn một năm thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, thiết lập hồ sơ bồi thường đạt tỷ lệ 100%. Đến nay công tác chi trả tiền bồi thường hơn 34 đợt với tổng giá trị giải ngân bồi thường trên 2.500 tỷ đồng.

 

Vợ chồng bà Bùi Kim Xuân, 57 tuổi, ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An cắt tấm tôn để chuyển đi đến Khu tái định cư Đông Hòa, cách nhà cũ chừng 3 km lợp cho nhà mới. "Do tôn dài mà tài xế xe tải yêu cầu chỉ 5 m nên chúng tôi phải cắt ra để dễ vận chuyển", bà Xuân nói.

 

 

Ông Hạnh, chồng bà Xuân, vác cánh cửa ra khỏi nhà cũ để dọn dẹp, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. "Nhà tôi nằm trong diện giải tỏa 106 m2, đền bù gần 2 tỷ đồng và một suất tái định cư. Sau khi bốc thăm được nền rộng 65 m2, vợ chồng tôi bắt đầu xây nhà mới ổn định cuộc sống", ông Hạnh nói, cho biết số tiền dư ra còn ít, phải tận dụng đồ cũ để sử dụng ở nơi ở mới.

 

Ông Phương (lái xe múc) dỡ móng nhà trên đường Nguyễn Xiển, phường Bình Thắng để lấy sắt.

Tài xế cho biết sau khi các gia đình dọn dẹp đồ đạc, di dời đến chỗ ở mới thì các "xác nhà" được bán lại cho các "nhà thầu" để dỡ nhà. Những người này sẽ phá nhà lấy sắt bên trong cũng như xà bần đi bán, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

 

Nhiều gia đình ở phường Bình Thắng bị ảnh hưởng chỉ 10 m nên đã chỉnh sửa, xây nhà mới ngay vị trí đất của mình chứ không đến khu tái định cư như các bộ bị giải tỏa trắng.

Theo UBND TP Dĩ An, dự án nút giao có 429 trường hợp thu hồi đất và 82 trường hợp chỉ có tài sản trên đất, với số tiền dự kiến phục vụ cho công tác đền bù giải tỏa là 3.339 tỷ đồng.

 

 

Vị trí xây dựng nút giao Tân Vạn và hướng tuyến Vành đai 3 TP HCM. Đồ hoạ: Đăng Hiếu - Khánh Hoàng

Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng - lớn nhất trong các dự án giao thông phía Nam từ trước đến nay. Các dự án thành phần của tuyến đường triển khai vào tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Tuyến đường khi đưa vào khai thác mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng trọng điểm phía Nam.