Để giải tỏa lưu lượng phương tiện khu vực Linh Đàm, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt đầu tư dự án đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng tới Quốc lộ 1A với chiều dài 2,1 km, tổng mức đầu tư của dự án 1.300 tỷ đồng. Qua 18 năm, đến nay dự án này vẫn giậm chân tại chỗ và chưa giải phóng xong mặt bằng, thậm chí có đoạn còn chưa thi công.
Theo báo Công lý, tuyến đường này được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) do liên danh CTCP Kinh doanh Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư. Sau đó, hai doanh nghiệp này đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai trực tiếp quản lý dự án.
Để giải phóng mặt bằng làm tuyến đường, tổng diện tích đất thu hồi là 67.125 m2, trong đó riêng quận Hoàng Mai là 54.411 m2 (phường Định Công: 51.333 m2, phường Thịnh Liệt: 7.079 m2), tương ứng có 557 hộ gia đình với đủ loại công trình, nhà ở, đất đai nằm trong diện di dời.
Tính đến hết tháng 11/2020, quận Hoàng Mai còn gần 80 trong số 588 người dân ở chưa nhận tiền đền bù, trong khi khu vực thuộc quận Thanh Xuân đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.
Theo Kinh tế và Đô thị, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết đối với đoạn chưa giải quyết xong thủ tục giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng liên quan sẽ tiếp tục họp với các hộ dân để đưa ra phương án đền bù thỏa đáng, quyết tâm chậm nhất đến quý III/2021 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để hoàn thiện và sớm đưa vào khai thác vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục tiêu chính là xây dựng và phát triển khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh.
Dự án ban đầu gồm 13 dự án thành phần với vốn đầu tư dự kiến 25.000 tỷ đồng (đơn giá năm 2012, chưa bao gồm dự phòng và lãi vay).
Song đến nay, sau 17 năm kể từ khi được triển khai từ năm 2013 dự án mới hoàn thành vài hạng mục, phần lớn diện tích đất quy hoạch cỏ dại um tùm và là nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương.
Theo Tiền Phong, thực tế dự án ĐHQGHN mới chỉ được đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường. Đây được coi là mấu chốt cho toàn bộ sự chậm trễ của dự án này.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng cần xem xét nguồn đầu tư cho dự án để triển khai dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư nhằm đấy nhanh tiến độ. Đồng thời, triển khai đồng bộ các dự án đang dang dở về hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên một số công trình trọng điểm đối với dự án ĐHQGHN hiện nay.
Theo Nhân dân, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được khởi công từ tháng 9/2007 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, với gói thầu chính là dây chuyền công nghệ luyện kim giá trị hơn 160 triệu USD. Tại thời điểm triển khai dự án, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực khiến chi phí tài chính tăng cao nên dự án phải điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng vào năm 2013. Từ đó đến nay, dự án này phải tạm dừng vì gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Trong khi đó, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc phát sinh tranh chấp chưa giải quyết được. Đến nay dự án này đã ngưng trệ nhiều năm và chưa biết ngày khởi động lại.
Pháp luật TP HCM đưa tin, ngày 20/2/2019 Thanh tra Chính phủ đã thông báo hàng loạt các sai phạm xảy ra tại TISCO và VNS đối với dự án này như nâng khống mức đầu tư không có căn cứ, thành lập ban quản lý dự án không có năng lực, phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng quy định...
Ngày 12/12/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 14 cá nhân về các tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Theo Zing, Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh (TP Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng với quy mô 250 giường bệnh nội trú. Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị thu hồi dự án này vì xây 10 năm nay nhưng chưa xong.
Theo Vietnam Finance, năm 2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi gần 3,2 ha đất tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh của 62 hộ dân để nhường đất cho doanh nghiệp xây dựng Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh. Dự án do Công ty TNHH Ngọc Linh (trụ sở TP.HCM) làm chủ đầu tư.
Tháng 6/2010, chủ đầu tư tổ chức động thổ, khởi công xây dựng bệnh viện. Theo dự kiến ban đầu, bệnh viện sẽ hoàn thành và hoạt động vào tháng 12/2014.
Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, dự án vẫn còn dang dở, chủ đầu tư chỉ xây bờ rào bao quanh, phần lớn diện tích bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, phía trong có làm một dãy nhà tạm và nhà bảo vệ. Phía trước mặt khu đất có hai dãy nhà một tầng được xây lên, một dãy bỏ không đã bắt đầu xuống cấp, dãy còn lại làm Trung tâm cấp cứu 115.
Lãnh đạo Sở KHĐT Hà Tĩnh cho biết qua rà soát, kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, sở đã có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị thu hồi dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh của công ty TNHH bệnh viện đa khoa Ngọc Linh - chi nhánh Hà Tĩnh.
Theo giấy phép đầu tư năm 2007, dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập có diện tích 8 ha, nằm trên địa bàn phường Xương Huân, TP Nha Trang do CTCP Sông Đà Nha Trang làm chủ đầu tư.
Với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, dự án dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2013 sẽ là khu tổ hợp chung cư cao tầng, khu nhà biệt thự, nhà liền kề và các công trình thương mại, dịch vụ khác. Tuy nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống, đã nhiều lần bị cắt bán trước khi chủ dự án bị bắt vào cuối năm 2019.
Vietnamnet cho hay, do dự án nằm trên "khu đất vàng" này không đạt tiến độ đề ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã 8 lần điều chỉnh và giãn tiến độ cho chủ đầu tư, lần gần đây nhất là vào năm 2015. Vào thời điểm đó, tỉnh này cho phép các công trình cao tầng của dự án phải hoàn thành trước quý I/2020. Tuy nhiên chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc năm 2020, dự án chỉ mới san lấp sơ bộ mặt bằng, xây lắp vài đoạn đường nội bộ, cống thoát nước nên quan sát tổng thể gần như chỉ là…bãi đất trống.
Cuối năm 2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Chí Uy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Sông Đà Nha Trang để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, trong thời gian làm Tổng giám đốc Công ty Sông Đà Nha Trang, ông Nguyễn Chí Uy đã tự ý phân chia lô đất được duyệt quy hoạch làm công viên cây xanh thuộc Dự án Khu dân cư cồn Tân Lập thành các lô đất nhà liền kề và bán cho nhiều cá nhân, tổ chức nhằm chiếm đoạt số tiền lớn. Lần bán gần nhất là vào giữa năm 2019, chủ đầu tư dự án lại cắt trên 11.000 m2 để bán cho Công ty VHR có trụ sở tại TP HCM.
Vào giữa tháng 4/2020, Đại diện CTCP Sông Đà Nha Trang cho biết doanh nghiệp này đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án, khắc phục tối đa thiệt hại do hành vi vi phạm của nguyên lãnh đạo công ty gây ra, cũng như thực hiện các nội dung cam kết của công ty gửi các cấp chính quyền xin khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra cũng kêu gọi các cá nhân, tổ chức là khách hàng của dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập liên hệ Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa để nắm các thông tin cần thiết và giải quyết các vấn đề liên quan.
Dự án Saigon One Tower tọa lạc tại vị trí "đất vàng" giữa giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Quận 1 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 256 triệu USD do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư.
Với diện tích 6.672,2 m2 gồm 41 tầng, dự án Saigon One Tower được khởi công từ năm 2007 và dự kiến hoàn thành sau hai năm, từng được chờ đợi sẽ là tòa nhà cao thứ ba tại TP HCM tại thời điểm đó. Đến cuối năm 2011 dự án bị ngừng thi công khi mới hoàn thành 80% các hạng mục. Cho đến nay dự án giữ nguyên hình dạng là một công trình dang dở, xuống cấp theo thời gian.
Theo báo Đấu thầu, tháng 11/2015, Cục Thuế TP HCM thông báo phong tỏa hóa đơn của chủ đầu tư dự án Saigon One Tower bị vì nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỷ đồng. Từ đó đến nay, lãnh đạo TP HCM tổ chức rất nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Tháng 7/2017, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, UBND TP HCM cho biết, dự án này đã có chủ đầu tư mới và sẽ tái khởi động xây dựng 20% hạng mục còn lại trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, khi phần còn lại của dự án chưa kịp triển khai thì chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower bị Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra quyết định thu hồi tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, VAMC cũng đưa dự án này ra bán đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 6.110 tỷ đồng. Tài sản gồm Quyền sở hữu và quyền khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng hầm, khu trung tâm thương mại, khu văn phòng cho thuê, các công trình phụ, quyền sở hữu 14.954,8 m2 diện tích khai thác kinh doanh thực tế của khu căn hộ cao cấp.
Đến thời điểm hiện tại, sau gần 9 năm "đắp chiếu" Saigon One Tower đang có dấu hiệu xuống cấp, tuy nhiên vẫn chưa có thêm thông tin gì về đơn vị tiếp nhận dự án ngoài các thông tin đấu giá tài sản.