1 - 2 năm gần đây, Lâm Đồng luôn là một trong những vùng đất được giới đầu tư BĐS săn đón với các dự án quy mô lớn, nhờ những thuận lợi về vị trí, khí hậu, tiềm năng về du lịch và hạ tầng đồng bộ.
Tuy nhiên, chỉ riêng trong hai tháng cuối năm, các "ông lớn" như Hưng Thịnh, Đèo Cả, T&T, Tân Hoàng Minh cùng hàng chục doanh nghiệp BĐS khác kéo về TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Lâm Hà,... khảo sát, đề xuất loạt dự án quy mô lớn.
Gần đây nhất, liên danh Tập đoàn Hưng Thịnh - CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất chủ trương cho phép nghiên cứu lập quy hoạch khu vực quy hoạch 15.000 ha tại huyện Lâm Hà.
Trước đó, cũng tại huyện này, liên danh Tập đoàn T&T - Tập đoàn Futa được tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát ranh giới lập quy hoạch chung xây dựng khu chức năng tại thị trấn Nam Ban và một số xã lân cận.
Ở TP Đà Lạt, Sở Xây dựng vừa đề xuất UBND tỉnh này cho phép Tân Hoàng Minh nghiên cứu, khảo sát lập ý tưởng, phương án quy hoạch khu đất lên tới 4.319,5 ha ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.
Ngoài ra, Tập đoàn T&T cũng đề xuất nghiên cứu, khảo sát, tài trợ lập quy hoạch phân khu và đăng ký dự án tại phường 11, phường 12 và xã Xuân Thọ.
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB đề xuất chấp thuận chủ trương nghiên cứu, tài trợ lập quy hoạch phân khu dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch tại Dốc Trời, Suối Hến 2.000 ha tại khu vực phường 5, 7.
Giữa tháng 12, TDH Ecoland, thành viên Tập đoàn Ecopark, cũng đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới Cam Ly quy mô 49,7 ha, tại phường 5, TP Đà Lạt.
Góp mặt vào cuộc "đổ bộ" về huyện Bảo Lâm, CTCP Sacom - Tuyền Lâm đề nghị nghiên cứu khảo sát, tài trợ lập quy hoạch tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật VP Home muốn được lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 tại xã Lộc Tân.
Ở xã Lộc An, Công ty TNHH Hương Bản và Công ty TNHH Tâm Châu đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch hai cụm dân cư nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đã cho phép Công ty TNHH Phước Lộc Thành LĐ nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch chi tiết 1/500 – Khu dân cư, tái định cư Lộc Thắng với quy mô 182 ha.
Trên địa bàn TP Bảo Lộc, CTCP Lightland đề xuất nghiên cứu và tài trợ đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị phía Nam đường Quốc lộ 20, quy mô 34,5 ha thuộc phường B'lao và Lộc Tiến.
CTCP đầu tư và phát triển bất động sản Khải Hưng muốn làm khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Lộc Phát 49 ha tại phường Lộc Phát.
Bên cạnh đó, CTCP Dịch vụ Du lịch Đà Lạt cũng đề xuất chủ trương và tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại xã Gia Hiệp, xã Tam Bố, huyện Di Linh và xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng.
Về các đề xuất, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ngành và các địa phương liên quan căn cứ các quy định, tình hình thực tế và có ý kiến đối với các đề xuất trên; đồng thời Sở cũng đã ban hành văn bản về việc rà soát, làm rõ đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Trước đó, Him Lam, Ecopark, Văn Phú – Invest, Novaland,... cũng lựa chọn Lâm Đồng làm "bến đỗ mới" để đầu tư vào các lĩnh vực du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng, khu đô thị.
Vài năm trở lại đây, hạ tầng Lâm Đồng ngày càng hoàn thiện, đáng chú ý nhất khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương - Đà Lạt dài 208 km với quy mô 4 làn xe đang chuẩn bị triển khai xây dựng.
Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư cùng thông tin các doanh nghiệp bất động sản lớn đề xuất các đại dự án mang đến kỳ vọng làm thay da đổi thịt cho Lâm Đồng trong tương lai.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn các dự án trên vẫn đang ở dạng đề xuất thì nhiều cá nhân, doanh nghiệp tập trung dồn về gom quỹ đất khiến thị trường bất động sản Lâm Đồng bỗng sốt nóng. Xưa, người ta tìm đến Lâm Đồng để thăm thú các đồi chè, thưởng cà phê, thì nay đổ về phân lô, bán đất nền.
Đến nay, theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, tình trạng rầm rộ phân lô, bán nền và san ủi, thi công xây dựng tại các dự án "tự xưng" và người dân tự đầu tư hạ tầng, hiến đất nhằm mục đích phân lô, tách thửa để phục vụ lợi ích cá nhân trên địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc vẫn diễn biến phức tạp.
Mặc dù từ tháng 10, Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc điều tra các vi phạm về việc hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay vẫn diễn ra với quy mô lớn tại Bảo Lộc và Bảo Lâm, cùng một số vùng lân cận đã tạo nên cơn "sốt đất" ở vùng nguyên liệu chè và cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng.
Giá bất động sản toàn tỉnh đã tăng gấp nhiều lần so với trước đó. Theo khảo sát, giá đất tại TP Bảo Lộc ở các phường trung tâm đã tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 25% so với cuối năm 2019.
Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá đất khu vực trung tâm TP Đà Lạt từ 200 - 500 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư khu vực bán kính 5 - 10 km quanh trung tâm từ 10 - 100 triệu đồng/m2.
Đất nền tại các huyện vùng ven Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà từ 800.000 - 5 triệu đồng/m2 đối với đất không thổ cư, có sổ hồng. Đất thổ cư có giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/m2, là cơ hội cho các nhà đầu tư ít vốn, chỉ từ 400 triệu đến dưới 2 tỷ đồng/lô diện tích 100 m2.
Bà Lê Thắm, Phó Giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt, đại diện tổ công tác VARS tại khu vực Tây Nguyên cho biết, tại nhiều nơi ở Lâm Đồng, đặc biệt là địa bàn TP Đà Lạt, giá bất động sản chưa bao giờ xuống và hiện có xu hướng đi lên do có rất nhiều nhà đầu tư từ các tỉnh khác đến.
Trước tình trạng trên, địa phương cũng liên tục có các động thái nhằm hạ nhiệt cơn sốt đất và ngăn chặn nạn phân lô, bán nền, hiến đất trá hình.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc, chỉ đạo tổng hợp, báo cáo nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc từ năm 2018 đến nay.
Trong đó, cần nêu rõ và chi tiết từng thửa đất, khu đất với các thông tin liên quan như chủ sử dụng đất, địa chỉ, diện tích đất hiến để làm đường; thời điểm giải quyết đề nghị tách thửa, cơ quan cho phép tách thửa, hiến đất làm đường; hiện trạng sử dụng đất sau khi tách thửa…. Các thông tin này nhằm phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nội dung liên quan đến hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa của UBND tỉnh Lâm Đồng tại hai địa phương trên.
Tháng 11, UBND tỉnh ban hành quy định mới về điều kiện tách, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đối với đất ở đô thị, nhà phố cần có diện tích tối thiểu là 40 m2 và các kích thước cạnh tiếp giáp đường chính ít nhất là 10 m hoặc đường hẻm là 4 m.
Đối với đất ở nông thôn, diện tích tách tối thiểu ít nhất là 72 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất là 4,5 m.
Đối với thửa đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500 m2 tại khu vực đô thị và 1.000 m2 tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, UBND huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng khẳng định không có doanh nghiệp đầu tư dự án BĐS trên địa bàn. Trong khi đó, UBND TP Bảo Lộc công khai 6 dự án được chính quyền cấp chủ trương đầu tư bất động sản đến nay gồm: Dự án khu dân cư 6B, khu đô thị mới đường Lý Thường Kiệt, khu dân cư kế cận khu công nghiệp Lộc Sơn, khu dân cư Đinh Tiên Hoàng (phường 2), khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt (phường 1) và dự án khu dân cư trung tâm xã Đạm Bri.