Giám đốc R&D DKRA Vietnam Nguyễn Hoàng phân tích, hạ tầng giao thông là dấu hiệu đầu tiên nhận biết một thị trường tiềm năng để đầu tư. Theo vị này, tất cả những khu vực nào gần các hạ tầng giao thông sẽ triển khai hoặc sắp hoàn thành tác động đến BĐS khu vực đó.
"Đất khu vực xung quanh sân bay Long Thành hoặc Phú Mỹ, Bà Rịa chẳng hạn, sắp tới sẽ có những con đường được mở ra để tăng khả năng kết nối.
Ngoài hạ tầng giao thông, còn có hạ tầng xã hội bao gồm bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí… Ví dụ như thị xã Dĩ An hoặc Thuận An khi được nâng cấp lên thành phố hoặc những nơi được nâng cấp từ đô thị loại III lên loại II, Nhà nước cũng như địa phương đổ tiền vào để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng giao thông, từ đó thay đổi bộ mặt đô thị của khu vực đó", Giám đốc R&D DKRA Vietnam thông tin.
Ông Hoàng cũng lưu ý, những khu gần nơi đã phát triển dân cư sầm uất cũng là thị trường tiềm năng để đầu tư.
Khu vực có tiềm năng còn thể hiện khi có một chủ đầu tư lớn với một dự án quy hoạch bài bản. Các chủ đầu tư lớn một khi đi đến đâu thì gần như sẽ thay đổi thị trường BĐS của một khu vực.
Theo ông Hoàng, hai năm qua, có làn sóng đầu tư vào Bảo Lộc, Lâm Đồng dưới hình thức rất hấp dẫn như farmstay, du lịch… Nhưng theo quan sát của DKRA Vietnam, xu hướng này từ trước khi bùng dịch đã bắt đầu giảm và giảm mạnh trong thời gian gần đây.
"Tôi cho rằng việc đầu tư đất nền ở Bảo Lộc là ngắn hạn, không lâu bền và thực tế là đã suy giảm. Nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số người đã đầu tư bây giờ không bán được hàng, mà cứ phải giữ ở đó. Gần đây, chính quyền các địa phương này cũng siết chặt các quy định về phân lô bán nền, cấp phép dự án… Cho nên việc suy giảm này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới", ông Hoàng nói.
Qua sự việc trên, Giám đốc R&D DKRA Vietnam khuyên rằng, nhà đầu tư đầu tư đến mức nào thì cũng phải tính có người mua lại để ở, phải hết sức thận trọng khi đầu tư theo xu hướng.
"Không phải cứ đi đến vùng đó, mua mảnh đất vài trăm m2 để đó trong khi xung quanh không có gì cả, không biết ai sẽ lựa chọn đến ở đó. Hay đầu tư đất để xây farmstay, homestay nhưng mà có bao nhiêu người trong số đó thật sự chịu đầu tư farmstay", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương, BĐS là một câu chuyện muôn màu muôn vẻ. Đón sóng không dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công.
"Tôi nghĩ rằng trong năm 2022 và 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy đầu tư vào chứng khoán và BĐS nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 - 2023", Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định.
Vị này cũng cho rằng, nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Riêng về thị trường BĐS nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp. Như vậy, nếu rủi ro có xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là giá trị bị rớt giá bởi vì những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.
Để tránh những rủi ro không đáng có cho nhà đầu tư, ông Khương khuyên: "Nếu nhà đầu tư mua BĐS để ở, sinh sống thì cũng cần cân nhắc để mua. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng cần cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước nữa.
Nhà đầu tư cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của chúng ta sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi gia tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi đó".