Lợi nhuận quí III của Kido ước tăng 141% nhờ mảng dầu ăn

Quí III, Kido ước đạt 128 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng đột biến 141% và đóng góp vào gần nửa doanh thu của 9 tháng đầu năm nhờ phần lớn từ mảng dầu ăn.

CTCP Tập đoàn Kido (Mã: KDC) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quí III và 9 tháng đầu năm 2020.

Quí III, tập đoàn ước đạt 2.293 tỉ đồng doanh thu thuần, 128 tỉ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 24% và 141% so với cùng kì năm 2019.

Biên lợi nhuận gộp quí III/2020 đạt 23,2% và tương đương so với quí III/2019. Biên lợi nhuận ròng tăng từ 2,9% quí III/2019 lên 5,6% kì này.

Quý III/2020 đánh dấu sự trở lại của Kido trên thị trường snacking với sản phẩm tiên phong là bánh trung thu thương hiệu Kingdom. Thương hiệu Kingdom là một phần trong chiến lược mở rộng phát triển kinh doanh của lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Dự kiến trong mùa trung thu năm nay, sản phẩm bánh trung thu Kingdom sẽ đóng góp vào doanh thu khoảng 160 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 36 tỉ đồng.

Lợi nhuận quí III của Kido ước tăng 141% nhờ mảng dầu ăn  - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quí III/2020. Nguồn: KDC

Doanh thu thuần 9 tháng ước đạt 5.960 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kì năm 2019 chủ yếu là do doanh thu ngành dầu tăng. Trong đó, doanh thu ngành kem giảm 9,8% và doanh thu ngành dầu tăng 30% so với cùng kì 2019.

Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 338 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 261 tỉ đồng, tăng gần 57% so với cùng kì năm trước. Tăng trưởng mạnh của ngành dầu và tối ưu hóa hoạt động ngành kem đóng góp lớn vào sự tăng trưởng trên.

Về CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Mã: KDF), Kido cho biết dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hàng có điều kiện cũng như giảm mạnh thu nhập và sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là trong quý II. 

Doanh thu của KDF từ kênh KA, khu du lịch, nhà hàng, trường học… sụt giảm đột ngột do các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ.

Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng tăng nhanh tại các kênh hiện đại như minimart, siêu thị,…KDF đã tập trung đẩy mạnh doanh số từ các kênh này để tăng độ phủ.

Do đó, KDF tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu thị trường kem với thị phần tăng từ 41,4% năm 2019 lên 43,5% năm 2020 (theo Euromonitor 2020), trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,8% và thương hiệu Celano chiếm 17,4% thị phần.

Doanh thu thuần 9 tháng ước đạt 1.044 tỉ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu ở kênh KA. Doanh thu từ kênh KA giảm mạnh cũng làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của KDF. 

Biên lợi nhuận gộp dự ước 9 tháng đầu năm giảm từ 59,7% năm 2019 xuống còn 58,5% năm 2020. Lợi nhuận gộp dự ước 9 tháng đầu năm giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh dịch bệnh, song song với việc chuyển dịch kênh phân phối, công ty cũng có sự chuyển dịch chi phí tương ứng từ kênh KA sang các kênh khác có hiệu quả cao hơn. 

Công ty tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền kem đùn, bổ sung thêm tủ mới, chú trọng phát triển các sản phẩm kem cốt lõi và các sản phẩm kem cao cấp có lợi nhuận cao. Cùng với cắt giảm sản phẩm không có lợi nhuận cao, cắt giảm các chi phí không hiệu quả.

Do đó, dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận trước thuế ước tăng 14,3% so với cùng kì năm trước, đạt 206 tỷ đồng và vượt 3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với Công ty Cổ phần Dầu Thực vật Tường An (Mã: TAC), doanh thu thuần 9 tháng ước đạt 3.547 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kì năm trước.

Nhờ các hoạt động rà soát và tối ưu hóa chi phí, lợi nhuận trước thuế 9 tháng ước đạt 154,5 tỉ đồng, tăng 52% so với cùng kì năm 2019 và đạt trên 80% kế hoạch đề ra của cả năm.

Do ảnh hưởng của giá dầu nguyên vật liệu tăng lên so với năm trước, biên lợi nhuận gộp của công ty giảm nhẹ từ 15,3% xuống còn 14,6% 9 tháng đầu năm. 

Về Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex - Mã: VOC), do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh thu thuần của VOC chỉ tăng 4% lên 1.913 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế khoảng 181 tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kì năm trước.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.