Lương eo hẹp, thạc sỹ sống dựa vào việc... bán rau

Những mặt hàng cô giáo Phương kinh doanh khá đa dạng, từ các loại rau củ quả như súp lơ, cải, ngô,… đến những loại trái cây như cam, ổi, táo, mít…
 

Tốt nghiệp Thạc sỹ sư phạm Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 13 năm dạy là 13 năm đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, mức lương hiện tại gần 6 triệu đồng/tháng nhưng cô giáo Phạm Thị Phương (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn bươn chải với nghề bán rau và các mặt hàng thực phẩm sạch.

luong eo hep thac sy song dua vao viec ban rau
“Nghề mình chọn thì mình phải yêu chứ. Dù có nghề khác thì đứng lớp, giảng bài cho học sinh vẫn là điều thiêng liêng đối với bất kỳ giáo viên nào” - cô Phương chia sẻ.

Thạc sỹ vượt trăm cây số lấy hàng bằng xe máy

Những mặt hàng cô giáo Phương kinh doanh khá đa dạng, từ các loại rau củ quả như súp lơ, cải, ngô,… đến những loại trái cây như cam, ổi, táo, mít… Tất cả những loại nông sản này đều do chính tay cô lựa chọn từ những trang trại để mang về bán.

Nhằm mở rộng thị trường và để mặt hàng đa dạng, phục vụ nhu cầu của khách, lần nào cô giáo cũng đến tận các vườn trái cây để chọn sản phẩm. Khi thì nhập ổi ở Hải Dương, cam Cao Phong Hòa Bình, cam sành Hà Giang, vải Bắc Giang… Mỗi lần đi cô giáo Phương đều tranh thủ để có thể chọn và vận chuyển hàng về chỉ trong ngày.

“Tuy mất nhiều công sức nhưng đó là cách để tôi tạo uy tín với khách. Hàng phải ngon, tươi, mới và đặc biệt phải sạch thì mới đến tận tay khách”, cô giáo kiêm chủ shop rau quả chia sẻ.

Tâm sự về "nghề tay trái", cô giáo Phương nói, chồng cô làm xây dựng nên thường xuyên đi theo công trình, ít khi ở nhà với 3 mẹ con. Để tiện cho việc buôn bán và chăm sóc con, cô đã thuê một cửa hàng nhỏ trong thành phố. Mỗi sáng, cô đưa các con từ nhà ra cửa hàng, khi có đơn của khách thì giao và nhờ em chồng trông nom hộ.

Công việc kinh doanh bận rộn khiến cô chịu áp lực từ nhiều phía, mệt mỏi cả về vật chất lẫn tinh thần. Cô tâm sự, bởi vóc dáng người thấp nhỏ nên việc chạy xe máy để chở hàng khá khó nhọc, đặc biệt khi khách lấy hàng nặng, cồng kềnh thì việc giao hàng bằng xe máy lại càng khó khăn hơn.

“Nhiều khi chồng cũng không thông cảm với công việc, nghĩ rằng giáo viên thì không nên làm gì ngoài việc dạy. Hay những lần đi giao hàng cho khách đi sớm về khuya cũng làm gia đình chồng không hài lòng. Không ít lần gia đình khuyên tôi không nên kinh doanh thêm nữa vì quá vất vả”, cô Phương bộc bạch về những ngày bắt đầu bán hàng.

luong eo hep thac sy song dua vao viec ban rau
Cô Phương thường đến tận nơi để chọn được những sản phẩm có chất lượng.

Kể lại những lần khó nhọc khi giao hàng cho khách, cô giaos dạy Lịch sử không giấu được sự mệt mỏi. “Đó là lần tôi tự mình đi ship hàng cho khách ở Khu công nghiệp Bá Thiện II (huyện Bình Xuyên), cách nhà hơn 20 km. Cơn mưa đêm tầm tã ngấm vào quần áo qua lớp áo mưa mỏng, đến nơi người ướt như chuột lột. Rồi có những lần đang chở hàng cho khách thì xe bị thủng săm, đường vắng cũng chẳng nhờ được ai nên cũng đành dắt bộ.

Làm nghề này việc đi đường đêm hôm để giao hàng cho khách là chuyện không lạ. Bởi nếu từ chối thì mình mất đơn, mất khách, mất cả những mối làm ăn về sau. Cứ cố gắng thì sẽ có thêm tiền giúp cho cuộc sống”, cô Phương ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm của mình.

Động lực của thạc sỹ bán rau

“Cuộc sống cạnh tranh thương trường khiến tôi thật sự rát mặt vì phải giao tiếp với nhiều đối tượng trong xã hội. Những người mà có lẽ nếu suốt đời chỉ cặm cụi với nghề đi dạy học thôi thì không bao giờ có cơ hội được tiếp cận”, cô Phương bộc bạch những suy nghĩ của mình sau hơn 2 năm gắn bó với việc kinh doanh.

“Khi quyết định bắt đầu bằng việc buôn bán rau củ quả, tôi chỉ nghĩ rằng mình phải kiếm được nhiều tiền, bởi tuổi của tôi cũng không còn trẻ để ngại hay sĩ diện với người khác”, cô Phương cho biết.

Nhưng có những niềm vui giúp cô giáo Phương có thêm sự tự tin khi kinh doanh thực phẩm một phần xuất phát từ chính những học trò cũ, bạn bè và một số người thân của cô.

“Có em ái ngại về công việc kinh doanh vất vả hiện tại nên cũng giúp đỡ nhiều thứ. Các trò đã đi làm rồi cho tôi vay vốn, giúp vay vốn hay mua hàng rất nhiệt tình, những trò chưa ra trường thì giúp ship hàng, đón hàng ở các tỉnh khác. Nhờ vậy, tôi cũng bớt được đi phần công việc”, cô Phương hào hứng chia sẻ về những người ủng hộ mình trong công việc làm thêm.

luong eo hep thac sy song dua vao viec ban rau
Cô Phương nhận được sự yêu quý từ nhiều học trò của mình.

Cô Phương cho biết: “Tôi tự cảm thấy mình còn may mắn vì chẳng có vị phụ huynh nào gièm pha hay coi thường. Mà ngược lại, còn nhận được sự ưu ái hơn từ họ. có lẽ họ cũng nghĩ rằng mình khó thật nên đã nhiệt tình giúp đỡ mua hàng”.

Thu nhập từ việc kinh doanh thực phẩm sạch tùy vào từng thời điểm, may mắn có thể giúp cô kiếm được gấp đôi lương nghề giáo. Khoản thu nhập ấy giúp cô có dám nghĩ đến những thứ lớn lao hơn, như mua ô tô để giúp cho việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.

Công việc dạy học, chăm sóc gia đình lại thêm việc buôn bán bận rộn nên cô Phương không có thời gian để chăm sóc cho bản thân mình. Giọng buồn thinh, cô chia sẻ: “Bạn bè cùng học có nhiều điều kiện để chăm lo, làm đẹp. Còn tôi thì chỉ lo công việc cũng đã bù đầu, lấy đâu thời gian cho bản thân, lại suốt ngày bạt mặt ngoài đường. Da mặt xạm xụi, chân tay sần sùi, trông còn già hơn tuổi thực của mình”.

Tha thiết với nghề, trăn trở về trò

Là giáo viên yêu nghề, lúc nào cũng trăn trở về những cô cậu học trò của mình nên suốt thời gian đứng lớp cô Phương đã có nhiều phấn đấu trong việc dạy học. 13 năm đứng lớp là 13 năm cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Ngoài ra cô còn đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

luong eo hep thac sy song dua vao viec ban rau
Nhờ những nỗ lực trong giảng dạy, cô Phạm Thị Phương (ngoài cùng bên trái) được tuyên dương trong các dịp khai giảng, bế giảng của trường THPT Nguyễn Viết Xuân.

Nhờ những nỗ lực trong giảng dạy cũng như thành tích đạt được, cô đã nhiều lần được tăng lương trước thời hạn 6 tháng, thậm chí tăng trước 1 năm. Nhiều giáo viên thâm niên bằng cô nhưng lương vẫn thấp hơn.

Khi nhận xét về việc các cô giáo làm thêm nghề tay trái, cô cho rằng đây là một sự nỗ lực rất nhiều.

“Các cô giáo làm thêm sẽ có nhiều cơ hội để kiếm sống. Nhưng nữ giáo viên thì sẽ gặp khó khăn hơn vì vốn dĩ nghề dạy học có môi trường đơn giản, nhẹ nhàng. Tính cạnh tranh không thể quyết liệt như công việc kinh doanh.

Thêm vào đó, cô giáo còn phải phân bố thời gian để chăm sóc con cái, gia đình trong khi nghề dạy vốn đã rất nhiều việc. Bởi vậy cô giáo tham gia thương trường sẽ nhọc nhằn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên khi làm thêm cũng giúp cô giáo có được cơ hội làm giàu mà thứ nghề dạy học không bao giờ có được.

Mỗi khi làm thêm bản thân người làm nghề giáo sẽ luôn bị giằng co và ước rằng giá như nghề chính có thể giúp họ sống tốt thì sẽ không bao giờ phải làm thêm. Đi dạy có những niềm vui, hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được.

Tôi thầm ước nếu như lương được cao hơn thì không chỉ tôi mà bất cứ giáo viên nào cũng sẽ chuyên tâm dạy dỗ học trò của mình”.

Công việc hiện tại tuy bận rộn nhưng cô vẫn luôn tâm niệm không được để ảnh hưởng đến việc dạy học. Việc soạn giáo án trước khi đến lớp, nhiệt tình trả lời, giải thích những thắc mắc về bài học của học trò, cố gắng đa dạng hóa việc dạy môn Lịch sử - môn học nếu chỉ dạy đọc, chép thì không thể có hiệu quả, lại càng làm học sinh sợ.

“Nghề mình chọn thì mình phải yêu chứ. Dù có nghề khác thì đứng lớp, giảng bài cho học sinh vẫn là điều thiêng liêng đối với bất kỳ giáo viên nào”, cô Phương tâm sự.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.