Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, đã có khoảng 9.000 con heo sống được 7 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chính thức từ Thái Lan về Việt Nam, trong đó heo nhập đưa về thị trường miền Nam chưa tới 3.000 con.
Tuy nhiên, giá heo hơi trong nước vẫn cao ngất ngưởng trong khoảng 83.000 - 93.000 đồng/kg và đang trong xu hướng tiếp tục tăng.
Cụ thể, giá heo hơi hôm nay (20/7) ở nhiều địa phương cùng báo giá tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trong đó, ở các tỉnh khu vực phía Bắc tăng nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên mức cao từ 88.000 - 92.000 đồng/kg tuỳ địa phương, cao nhất trên cả nước.
Tại miền Trung, Tây Nguyên được thương lái thu mua trong khoảng 82.000 - 90.000 đồng/kg sau khi hàng loạt các tỉnh như Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận.... tăng 1.000 -2.000 đồng/kg vào ngày đầu tuần.
Tại miền Nam được giao dịch trong khoảng 86.000 - 92.000 đồng/kg, với thủ phủ heo Đồng Nai là nơi đang giữ đỉnh của vùng.
Theo một số doanh nghiệp nhập khẩu heo sống từ Thái nguyên nhân khiến giá heo hơi trong nước vẫn tăng dù đã nhập nhiều heo sống từ Thái Lan về đó là do giá heo hơi tại Thái Lan cũng đã tăng lên mức khoảng 65.000 đồng/kg.
Giá cam kết về đến cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào là 81.000 đồng/kg. Sau khi cộng tiền vận chuyển từ cửa khẩu về trại, chi phí hao hụt, kiểm dịch, lãi suất ngân hàng,… thì giá đội lên thành 85.000 đồng/kg.
Trao đổi với người viết, ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, cho biết chi phí để nhập heo về Việt Nam khoảng 13.500 đồng/kg heo hơi.
Vấn đề là giá heo hơi từ Thái Lan tăng vọt, cộng thêm chi phí kiểm dịch, chờ kết quả kiểm dịch, nuôi cách iy trước khi giết mổ... đã đội lên khá cao khiến chính các nhà nhập khẩu heo sống từ Thái không còn mặn mà nữa.
"Trước khi xuất chuồng từ Thái Lan, cơ quan thú y bên đó đã lấy mẫu máu kiểm dịch, cấp giấy phép đầy đủ mới được xuất đi Việt Nam.
Heo được chở từ Thái về qua Lào bằng xe chuyên dụng. Về đến cửa khẩu Việt - Lào lại phải lấy mẫu kiểm dịch và chờ có kết quả sau 5 ngày, chờ tiếp cơ quan thú y vùng kiểm tra kết quả mới cho xuất chuồng.
Quá nhiều thời gian khiến lãi chẳng còn bao nhiêu. Hiện mức giá heo Thái Lan cao hơn so với thời điểm trước khi có quyết định cho phép nhập khẩu heo sống (12/6) hơn 10.000 đồng/kg", ông Sum cho hay
Thực tế, theo trang Bangkok Post, giá thịt heo bán lẻ tại nước này đã lên tới 170 - 180 baht/kg, tương đương khoảng 124.000 - 132.000 đồng/kg, cao cao nhất trong 10 năm trở lại đây do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng.
"Trước đây biên độ lợi nhuận giữa heo Thái và heo trong nước lên tới 1 triệu đồng/con thì giờ chỉ còn khoảng 300.000 - 400.000 đồng/con.
Nếu hiện tượng giá vẫn tiếp tục diễn biến trái chiều thì đến một thời điểm nào đó, doanh nghiệp nhập heo hơi về sẽ không có lãi", đại diện Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức chia sẻ.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu heo thịt từ Thái Lan với số lượng dự kiến nhập khẩu hơn 1,9 triệu con. Như vậy, với khoảng 9.000 con heo Thái đã đổ về Việt Nam, thời gian tới còn khoảng 1 triệu con nữa sẽ được nhập khẩu để hạ nhiệt giá heo.
Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm nay, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo từ các nước vào Việt Nam.
Tổng lượng thịt heo nhập khẩu hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kì năm 2019, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết 6 tháng đầu năm 2020, tổng đàn heo của cả nước đạt 23 triệu con, sản lượng thịt heo ước đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,8% sản lượng thịt so với cùng kì năm 2019.
Dự kiến, đến đầu quí IV năm nay, sản xuất trong nước mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, nguồn cung heo giống vẫn còn thiếu và giá heo giống rất cao từ 2,5 đến 3 triệu đồng/con. Ngoài ra dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được khống chế triệt để nên lượng đàn vẫn giảm và người chăn nuôi vẫn rất dè dặt khi tái đàn.
Bên cạnh đó, với việc giá heo tăng cao kỉ lực, khiến Bộ Thương mại Thái Lan đang phải cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu heo.
Những nguyên nhân này càng làm cho giá heo hơi, lẫn giá thịt bán lẻ trong nước vẫn ở mức cao dù giải pháp nhập khẩu heo sống đã được triển khai hơn một tháng kể từ ngày 12/6 vừa qua.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng: "Chừng nào chưa có vắc xin phòng chống dịch, chừng đó khó nói chăn nuôi trong nước giúp ngành lấy lại phong độ như trước được.
Bởi tái đàn thành công mới là cốt lõi của vấn đề, chừng nào không còn xuất hiện tình trạng heo đang nuôi “tự nhiên lăn ra chết hàng loạt” thì mới giải quyết được vấn đề cung - cầu của thị trường. Thế nên, đến hết năm nay vẫn khó nói chuyện heo giảm sâu được”.