Bình Phước là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của Bình Phước hiện nay là TP Đồng Xoài, cách TP HCM khoảng 121 km theo quốc lộ 13, quốc lộ 14 và 102 km theo đường tỉnh lộ 741.
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND tỉnh này thông qua, quan điểm phát triển của tỉnh là phát huy các lợi thế chiến lược trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng, giải quyết những nút thắt chiến lược để đưa Bình Phước từ vị trí "dự trữ" thành một động lực tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sự lan tỏa của địa phướng kết nối với Tây Nguyên.
Để phục vụ cho mục tiêu trên, việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những nền tảng quan trọng.
Theo thống kê đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 3 tuyến đường quốc lộ (QL) gồm: QL 13 ở phía tây đi theo hướng bắc - nam kết nối với cửa khẩu Hoa Lư đi Campuchia có chiều dài 79,6 km; QL 14 ở phía đông nam, kết nối với Tây Nguyên với tổng chiều dài khoảng 117,6 km; QL 14C nằm về phía bắc, kết nối các khu vực cửa khẩu, đoạn tuyến đi qua tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 131 km đi theo các tuyến đường tỉnh hiện hữu (mới có 43 km được hình thành từ đường tỉnh 741, đoạn còn lại chưa xây dựng).
Về đường tỉnh lộ (ĐT), trên địa bàn tỉnh có tất cả 15 tuyến với tổng chiều dài là 544 km, phân bố chủ yếu theo hướng Bắc - Nam, tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%. Trong đó, tuyến đường ĐT 741 được đánh giá là tuyến quan trọng nhất kết nối trung tâm TP Đồng Xoài về phía nam với Bình Dương và TP HCM.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 109 tuyến đường huyện, 703 tuyến đường đô thị, 3.808 tuyến đường xã.
Theo quy hoạch, tỉnh Bình Phước sẽ hình thành hai cao tốc trong tương lai, gồm: Cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư (CT 30) và cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (thuộc tuyến cao tốc CT2, Bắc - Nam phía tây).
Về hệ thống đường tỉnh lộ, dự kiến Bình Phước sẽ có tổng cộng 46 tuyến, bao gồm 15 đường hiện hữu (sẽ được cải tạo, nâng cấp); còn lại là các tuyến quy hoạch mới hoặc nâng cấp từ một số đường huyện hiện tại. Tỉnh cũng sẽ xây dựng gần 90 km còn lại của QL 14C.
Về định hướng phát triển giao thông cụ thể trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước cho biết sẽ tỉnh ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt là các trục giao thông quan trọng như cao tốc TP HCM - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến đường phía tây QL 13 kết nối Bàu Bàng - Đồng Phú - Bình Dương, tuyến ĐT 753...
Cùng với đó, Bình Phước ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục giao thông kết nối tam giác phát triển gồm: TP Đồng Xoài, TX Chơn Thành, huyện Đồng Phú; ba vùng đô thị có sức lan tỏa của tỉnh gồm TP Đồng Xoài, TX Bình Long và TX Phước Long và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.
Tỉnh phát triển hệ thống kết nối giao thông giữa ba trục phát triển và các tuyến đường chính trên địa bàn như: Trục phát triển dọc theo tuyến quốc lộ 14 (QL 14) kết nối Bù Đăng - Đồng Xoài - Chơn Thành; Trục phát triển dọc theo tuyến QL 13, gắn kết Hoa Lư - Lộc Ninh - Binh Long - Hớn Quản - Chơn Thành; Trục trung tâm phát triển dọc theo tuyến ĐT 741 kết nối huyện Đồng Phú, TP Đồng Xoài, huyện Phú Riềng và TX Phước Long; dự kiến mở thêm đường Minh Lập - Phú Riềng để kết nối TX Phước Long, huyện Phú Riềng với QL 14 và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành nhằm phá thể độc đạo của Phước Long và Phú Riểng.
Bên cạnh đó là phát triển dọc theo tuyến ĐT 752, ĐT 758 và tuyến ĐT 753; ĐT 759B; ĐT 759 và tuyến ĐT 755B nhằm gắn kết các huyện khu vực biên giới như Lộc Ninh, Bù Đốp với các huyện, thị xã còn lại của tỉnh như: Đồng Xoài, Phước Long, Phú Riềng, Bù Đăng.
Theo danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn này, tỉnh Bình Phước đã bố trí hơn 13.000 tỷ đồng cho 40 dự án giao thông trên địa bàn. Trong đó có một số dự án đáng chú ý như:
Đường giao thông phía tây QL 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư, dài khoảng 50 km, tổng mức đầu tư của tuyến đường này là 1.450 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 1.105 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh là 345 tỷ đồng.
Nâng cấp, mở rộng QL 13 đoạn ngã ba Lộc Tấn - cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, dài gần 13 km, tổng mức đầu tư là 367 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 320 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 47 tỷ đồng; đường Minh Lập - Lộc Hiệp, dài khoảng 50 km, tổng mức đầu tư khoảng 423 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 269 tỷ đồng, ngân sách tỉnh khoảng 154 tỷ đồng.
Nâng cấp, mở rộng QL 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành, dài khoảng 24 km, tổng mức đầu tư 1.305 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; đường phía tây QL 13 kết nối Bàu Bàng, dài 5,3 km, tổng mức đầu tư là 369 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Đường kết nối Đồng Xoài - Hớn Quản, tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh; Mở rộng ĐT 758 đoạn Bình Long - Thuận Phú và đoạn kết nối QL 14, dài khoảng 46 km, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh; Đường vành đai Suối Cam 1 - 2 kết nối QL 14, dài khoảng 16 km, tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ quốc gia, cao tốc CT 30 đoạn TP HCM - Chơn Thành và cao tốc CT2 đoạn qua Bình Phước (Gia Nghĩa - Chơn Thành) có lộ trình đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để sớm đầu tư các dự án.
Gần nhất, tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Bình Phước và Bình Dương đã có cuộc họp trao đổi về công tác quy hoạch kết nối vùng giữa hai tỉnh. Tại buổi họp, Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã báo cáo phương án đầu tư đoạn cao tốc TP HCM - Chơn Thành.
Theo đó, tuyến TP HCM - Chơn Thành bắt đầu từ nút giao Gò Dưa - đi dọc theo ĐT43 (thuộc TP Thủ Đức) khoảng 800 m - rẽ phải theo ĐT 743B, ĐT 743A, ĐT 747B tới trước cầu Khánh Vân - tuyến chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại và đi men theo Suối Cái và song song với đường DH 409 - cắt ĐT 747A tại Cổng Xanh - sau đó đi song song với ĐT 741 lên xã An Long, huyện Phú Giáo - đi thẳng lên phía bắc giáp phía đông Khu công nghiệp Becamex Bình Phước - giao QL 14 tại Chơn Thành.
Tỉnh Bình Dương kiến nghị tỉnh Bình Phước thống nhất về phương án đầu tư. Cụ thể, giai đoạn 1, đoạn từ cầu Khánh Vân đến tỉnh Bình Phước dài 45,6 km với tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến thi công hoàn thành năm 2026. Giai đoạn 2, thực hiện nâng cấp từ 4 làn xe lên 6 làn xe, thực hiện một số giải pháp kỹ thuật như xây cầu vượt, hầm chui, đường nhánh.
UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn cho đoạn cao tốc TP HCM - Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Phước dài 7 km, sẽ do tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng số vốn giải toả đền bù và xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng.
Với tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc họp với các tỉnh liên quan đến dự án này.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã nêu phương án mới nhất về dự án. Theo đó, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dự kiến được đầu tư làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I sẽ xây dựng 4 làn đường đầy đủ (bao gồm 4 làn cao tốc và hai làn dừng xe khẩn cấp). Giai đoạn II, sẽ đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch đạt 6 làn xe đầy đủ.
Chiều dài tuyến khoảng 128,8 km, trong đó đoạn qua Đắk Nông khoảng 27,8 km; đoạn qua Bình Phước dài 101 km.
Dự kiến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành cần tổng mức đầu tư 29.986 tỷ đồng theo phương thức PPP, trong đó vốn nhà đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn nhà nước.
Bên cạnh các tuyến đường bộ, hệ thống đường sắt kết nối vùng của tỉnh cũng được quan tâm đầu tư.
Theo danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, đường sắt Chơn Thành - Đắk Nông được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, tổng vốn khoảng 715 triệu USD. Dự án này dài khoảng 67 km, là một đoạn trong tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước...
Dự án nhằm kết nối tuyến đường sắt xuyên Á, phục vụ nhu cầu luân chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực Tây Nguyên.
Cũng theo danh mục trên, một dự án đường sắt khác được kêu gọi đầu tư là đường sắt Dĩ An - Hoa Lư, nhằm kết nối tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia (đường sắt xuyên Á); nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa giữa các vùng và khu vực tuyến đi qua. Tuyến đường sắt này có chiều dài khoảng 128 km, khổ đường là 1.435 mm, đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư vào khoảng 1,4 tỷ USD.
Về đường hàng không, theo dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh sẽ quy hoạch sân bay quân sự Technic thành sân bay chuyên dụng Hớn Quản.