MBS: Mảng cho thuê KCN của Kinh Bắc sẽ khởi sắc trong giai đoạn cuối năm nay

MBS cho rằng, giai đoạn cuối năm nay, hoạt động cho thuê đất của Kinh Bắc tại các KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung sẽ khởi sắc. Sang năm 2023, các KCN và KĐT sẽ được ghi nhận khả quan hơn khi lãi suất và lạm phát dần ổn định.

Hoạt động cho thuê KCN của Kinh Bắc được dự báo khởi sắc

Báo cáo cập nhật của MB Securities (MBS) về Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC), đơn vị này cho rằng, trong giai đoạn cuối năm nay, hoạt động cho thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) như Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung sẽ khởi sắc, do đó, ước tính tổng doanh thu thuần đạt hơn 2.200 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ. 

MBS cũng dự báo Kinh Bắc sẽ ghi nhận 25 ha tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn Hạp Lĩnh trong điều kiện thuận lợi, phần còn lại sẽ được phân bổ lấp đầy trong giai đoạn 4 - 5 năm tới.  

KCN Quang Châu mở rộng sẽ được ghi nhận 50 ha vào năm 2023 và phần còn lại sẽ được ghi nhận vào năm 2024. KCN Tràng Duệ 3 sẽ được bắt đầu ghi nhận vào năm 2023 và kéo dài phân bổ đến năm 2027. KCN Tân Phú Trung sẽ ghi nhận 15 ha trong năm 2022 và phân bổ dần trong 2 - 3 năm tới. 

Cũng theo MBS, sang năm 2023, các KCN và khu đô thị sẽ được ghi nhận khả quan hơn khi các chính sách về lãi suất cũng như lạm phát toàn cần dần đạt đỉnh và ổn định, các chính sách về bất động sản cũng dần được nới lỏng và hài hòa. 

Do đó, MBS kỳ vọng doanh thu từ mảng KCN sẽ đạt hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ KCN Quang Châu mở rộng và Tràng Duệ 3. 

Nguồn: MBS.

Mặt khác, đối với mảng nhà ở, theo MBS, ngành bất động sản đang gặp khó khăn trong ngắn và trung hạn nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án khu đô thị (KĐT) của Kinh Bắc. Trong đó, KĐT Tràng Cát sẽ chưa thể ghi nhận doanh thu trong năm nay và sẽ phân bổ dần bắt đầu từ năm 2023 đến trung hạn tùy vào hiện trạng khắc phục chung của thị trường. 

Theo đó, đơn vị này dự báo dự án này sẽ đem lại mức doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng cho năm 2023. 

Ngoài ra, Kinh Bắc cũng hiện có kế hoạch bàn giao 6 ha tại KĐT Phúc Ninh, đóng góp khoảng 1.300 - 1.400 tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn 2022 - 2023. MBS kỳ vọng diện tích còn lại sẽ được lấp đầy trong 5 năm sau đó. 

Do đó, tổng doanh thu thuần năm 2023 của Kinh Bắc có thể đạt hơn 10.600 tỷ đồng, tăng 373% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt gần 3.100 tỷ đồng, tăng 31%.

Bên cạnh có dự án sẵn có, MBS cho biết Kinh Bắc đang liên tục mở rộng quỹ đất trên nhiều vùng miền với gần 20 dự án, tổng diện tích hơn 5.000 ha, trong đó đẩy mạnh tập trung vào hai khu vực phía Nam và sông Mê Kông, với nhu cầu ngày càng tăng tại hai khu vực này.

Ngày 22/11 vừa qua, tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho hai dự án KCN do công ty con của Kinh Bắc làm nhà đầu tư, gồm KCN Tân Tập (quy mô 654 ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) và KCN Lộc Giang (quy mô 466 ha, vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng). 

Triển vọng ngành bất động sản KCN

Đối với triển vọng của ngành bất động KCN, MBS cho biết, nguồn cung tiếp tục được gia tăng khi Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 9 KCN mới với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư các dự án đạt 29.411 tỷ đồng. Các dự án cũng quy định thời gian xây dựng từ 3 - 4 năm và thời gian hoạt động kể từ 50 năm kể từ ngày thành lập.

Nửa cuối năm nay, thị trường đất công nghiệp dự kiến chào đón nguồn cung mới với KCN Tiên Thanh, Hải Phòng mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm với tổng mức đầu tư trên 4.500 tỷ đồng. KCN Gia Bình II tại Bắc Ninh cũng sẵn sàng cho việc khởi công xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư.  

Tình hình thị trường ngành KCN miền Bắc trong quý III/2022. (Nguồn: MBS).  

Theo MBS, trong trung hạn, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 2.300 ha cho thị trường cấp 1. Một số KCN chuẩn bị đi vào hoạt động trong đầu năm 2023 với tỷ lệ cam kết cho thuê sớm ở ngưỡng 40 - 100% giai đoạn đầu triển khai. Với nguồn cầu khả quan, mức giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng khả quan là khoảng 5 - 10%/năm trong ba năm tới tại thị trường phía Bắc và 8 - 13%/năm tại khu vực phía Nam. 

Theo CBRE, nguồn cung tương lai sẽ mở rộng đến các tỉnh cấp 2 do khả năng mở rộng đất ở các vùng cấp 1 còn hạn chế. Tháng 8, chủ đầu tư đã khởi công KCN Sơn Mỹ 1, tỉnh Bình Thuận, khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ trở thành một trung tâm điện lực của tỉnh, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp, logistics.

Còn đối với thị trường nhà xưởng xây sẵn, dự án của KCN tại KCN Deep C đã khởi công vào tháng 5/2022, dự án của KTG tại KCN Yên Phong II-C và dự án của Tường Viên Group tại KCN Nam Đình Vũ đang được hoàn thiện và sẽ sẵn sàng để bàn giao. Các dự án này hứa hẹn sẽ bổ sung đáng kể vào nguồn cung đang hạn chế của thị trường, khi nhu cầu thuê nhà xưởng của các doanh nghiệp sản xuất đang ngày một tăng cao. 

Bên cạnh triển vọng về nguồn cung, Nghị định 35/2022/NĐ-CP ban hành vào ngày 28/5 cũng giúp đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương, có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các KCN, đặc biệt khi mà các KCN sẽ có thể có giấy phép đầu tư ngay khi được chấp thuận đầu tư.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào các tỉnh phía Bắc, nổi bật là sự kiện Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng tổ chức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án đầu tư vào khu kinh tế với tổng mức đầu tư lên tới trên 400 triệu USD.

Bên cạnh đó, kỳ vọng nhu cầu thuê và giá thuê đất KCN tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2023 do xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam; các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam; cải thiện cơ sở hạ tầng như các dự án Vành đai 3 và Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bắc - Nam, cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Gemalink.

chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".