Dự kiến 67 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ được niêm yết trên sàn UpCoM vào ngày 24/7 với giá tham chiếu khoảng 50.000-60.000 đồng (tương đương 2,2-2,64 USD). Với trần biên độ dao động giá trên sàn được áp dụng ở mức 40% giá tham chiếu, vốn hóa thị trường của Lộc Trời có thể tăng lên 230 triệu USD nếu giá cổ phiếu chạm mức cao nhất.
Theo bảng xếp hạng 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố, Tập đoàn Lộc Trời là 1 trong 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lọt vào danh sách này.
Tính đến 31/3/2017, Lộc Trời có 5 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 44,04% vốn. Cổ đông nhà nước là UBND tỉnh An Giang sở hữu 16,22 triệu cổ phiếu, tương ứng 24,15% vốn điều lệ. Các cổ đông lớn nước ngoài gồm Marina Viet (25,21%), Standard Chartered Private Equity (8,18%) và Vietnam Azalea Fund Limited - quỹ đầu tư thuộc Mekong Capital (6,07%).
Trước đó, cổ đông lớn Standard Chartered Private Equity (SCPE) nắm giữ 34,39%. Tuy nhiên, trong năm 2016, SCPE đã chuyển nhượng cổ phần tương đương 25,21% vốn cho nhà đầu tư Marina Viet.
Đáng chú ý, nguồn tin từ DealStreetAsia mới đây cho biết cổ đông ngoại là Mekong Capital đã đạt được thỏa thuận để thoái vốn khỏi Lộc Trời tại mức giá 68.000 đồng/cổ phiếu. Việc bán cổ phần sẽ diễn ra sau khi Lộc Trời được niêm yết trên UpCoM.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được thành lập năm 1993 (tiền thân là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang - AGPPS) do ông Huỳnh Văn Thòn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Lĩnh vực kinh doanh truyền thống của Lộc Trời là thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng trong những năm gần đây, công ty đã chuyển hướng sang kinh doanh lúa gạo nhằm hoàn thiện chuỗi khép kín nông nghiệp.
Việc chuyển hướng kinh doanh của Lộc Trời từng gặp sự phản ứng gay gắt từ cổ đông công ty, đặc biệt là từ các cổ đông lớn như VinaCapital và DWS Vietnam Fund - những quỹ sở hữu hơn 34% cổ phần của công ty.
Do không cùng mục tiêu trong hoạt động kinh doanh nên VinaCapital đã chuyển nhượng toàn bộ 23,6% cổ phần nắm giữ tại Lộc Trời cho quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE) và thu về khoảng 63 triệu USD vào năm 2014.
Trong khi đó, quỹ Vietnam Azalea Fund thuộc Mekong Capital đã đầu tư vào Lộc Trời từ năm 2008 và sắp tới cũng sẽ rút khỏi công ty.
Liệu số cổ phần mà Mekong Capital đang sở hữu sẽ được sang tay cho cổ đông hiện hữu của Lộc Trời hay một nhà đầu tư chiến lược mới?
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời. |
Theo giới thiệu, Lộc Trời là nhà phân phối thuốc trừ sâu cho Syngenta, một đối tác mà công ty có mối quan hệ bền vững lâu dài.
Syngenta là công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới và có nhiều phát minh về công nghệ biến đổi gen. Năm 2016, tập đoàn hoá chất nhà nước Trung Quốc là ChemChina đã thắng Monsanto khi trả đến 43 tỷ USD để thâu tóm "gã khổng lồ" trong lĩnh vực sản xuất thuốc trừ sâu này. ChemChina đã vung tay chi đến 465 USD/cổ phiếu, cao hơn 20% giá cổ phiếu đang chào bán trên thị trường thời điểm đó.
Tháng 5/2017, Lộc Trời cũng công bố rộng rãi việc hợp tác với Công ty TNHH Phát triển Khoa học Viên Thị (Hồ Nam - Trung Quốc) thành lập Công ty Liên doanh Giống với vốn điều lệ 3 triệu USD và Công ty Liên doanh Thương mại nông sản với vốn điều lệ 7 triệu USD. Đây được xem như một cánh cửa để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời và đại diện Viên Thị ký kết hợp tác. |
Trong đó, công ty liên doanh trong lĩnh vực giống cây trồng sẽ thành lập tại Việt Nam với mục đích phát triển công nghệ tạo giống lúa lai siêu năng suất để sản xuất tại Việt Nam với giá thành hợp lý và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Liên doanh này cũng sẽ nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm, chọn tạo và đăng ký thẩm định các loại hạt giống khác như ngô, rau màu các loại...
Công ty liên doanh trong lĩnh vực thương mại nông sản sẽ được thành lập tại Trung Quốc nhằm cung cấp gạo và các nông sản như cà phê, tiêu… vào thị trường Trung Quốc.
Công Ty TNHH Phát Triển Khoa Học Viên Thị Hồ Nam được thành lập năm 2007, là một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và chọn tạo giống lúa lai ở nước ngoài, và đào tạo công nghệ lúa lai quốc tế. Viện sỹ Viên Long Bình, cha đẻ của giống lúa lai thế giới, hiện là cố vấn kỹ thuật cấp cao của Viên Thị Hồ Nam.
Với việc lên sàn ngày 24/7, Lộc Trời được kỳ vọng sẽ trở thành “bom tấn” thực sự trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam. Các chiến lược kinh doanh và hợp tác của tập đoàn chắc chắn sẽ quan tâm, đặc biệt là động thái của các nhà đầu tư ngoại.