Điểm sáng của thị trường
Tại Toạ đàm Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam vừa diễn ra, nhiều chuyên gia lĩnh vực bất động sản đều nhận định, bất động sản du lịch hiện đang là lĩnh vực có sự năng động và hấp dẫn bậc nhất trong thị trường bất động sản Việt Nam.
Sự phát triển sáng tạo và bền vững của thị trường này sẽ là nền tảng và động lực quan trọng trong bức tranh phát triển của ngành du lịch, của thị trường bất động sản và của cả nền kinh tế.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Chia sẻ về tiềm năng phát triển thị trường bất động sản du lịch, ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, so với các quốc gia phát triển mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, số lượng cơ sở lưu trú và các dịch vụ giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế. Mặt khác, nguồn cung bất động sản du lịch của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
Theo ông Nam, trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, và khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng hệ sinh thái, quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm.
“Tôi cho rằng, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường”, ông Nam nhấn mạnh.
Đánh giá về tổng quan thị trường bất động sản du lịch thời gian qua, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chúng ta có thể thấy có rất nhiều dự án “lớn”, nhưng so với thế giới vẫn “chưa là gì”. Chưa kể, sự tắc nghẽn do khung pháp luật về bất động sản du lịch chưa đáp ứng được, các cán bộ có thẩm quyền phê duyệt lâm vào cảnh e ngại.
“Không thể phủ nhận, tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay là rất lớn, còn nhiều dư địa. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định”, GS Đặng Hùng Võ nói.
“Miếng bánh” ngon không dễ ăn
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch "rất ngon", nhưng không phải ai cũng ăn được. Đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, "miếng bánh" trên thị trường bất động sản du lịch "rất ngon" nhưng không phải ai cũng ăn được.
Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này. Vì thế, để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm.
Bản thân những chủ đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là "sếu đầu đàn" trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch.
Hiện nay, các nhà đầu tư cũng đã dần biết cách "chọn mặt gửi vàng", đặt niềm tin "đúng chỗ", nhìn nhận được đâu là sản phẩm bất động sản có tiềm năng sinh lời. Đó phải là những sản phẩm được thiết kế đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn riêng, nằm trong khu vực du lịch phát triển, có nhiều dự án xung quanh bổ trợ để cùng thu hút khách du lịch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay: “Mục tiêu sinh lợi vào các sản phẩm bất động sản du lịch chủ yếu là mức giá bán. Sau đó, dần dần giá bán được đẩy lên, các nhà đầu tư lúc này mới xem xét lại các vấn đề: tính pháp lý, tính sở hữu.
Họ bắt đầu thấy rằng, bất động sản du lịch phát sinh nhiều vấn đề bắt buộc phải tháo gỡ. Hiện nay, để phát triển hơn nữa, nhiều dự án đã có sự sáng tạo, tìm tòi phát hiện các vấn đề mới, các mô hình mới".