Ảnh minh họa |
Một nền công nghệ thông tin được đánh giá hầu như không được bảo mật và đầy sơ hở của Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến cho tội phạm công nghệ cao dễ dàng tấn công và thực hiện thành công việc rút tiền bằng việc ăn cắp thông tin chủ thẻ ngân hàng thời gian qua.
Theo PricewaterhouseCoopers (PwC), hơn một nửa số doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam không thiết lập các thủ tục về bảo mật thông tin và có 45% trong số doanh nghiệp bị nhiễm virus lây lan mã độc hại.
Theo Kaspersky, Việt Nam xếp hạng thứ 4 trên toàn thế giới với gần 50% người dùng có nguy cơ nhiễm mã độc khi sử dụng internet trên máy tính, đứng đầu thế giới với gần 70% máy tính dễ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ qua USB, thẻ nhớ… đứng thứ 3 thế giới về sự nguy hiểm ẩn lướt khi lướt web với 35% số người dùng đã bị tấn công.
Trong khi đó, Hiệp hội An toàn thông tin số Việt Nam (VNISA) cảnh báo phần lớn các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam cho phép dùng điện thoại di động và máy tính bảng truy cập vào mạng lưới tại nơi làm việc, nhưng có tới 47% trong số thiết bị không hề sử dụng bất kỳ biện pháp bảo mật thông tin nào.
Thực tế, việc tìm kiếm thông tin khách hàng tiềm năng ở Việt Nam, chẳng hạn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hoặc khách hàng VIP có thu nhập cao… đã trở nên dễ dàng khi những thông tin đó được chào báo qua thư điện tử hoặc đăng tải trên các website.
Do đó, xu hướng tấn công bằng mã độc sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, thậm chí bùng nổ bởi thương mại điện tử (thanh toán trực tuyến, ví điện tử…) và thị trường thiết bị di động thông minh (smartphone) đang tăng lên nhanh chóng cùng với các dịch vụ mobile banking, internet banking ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Hiện nay, Việt Nam có 4,8 triệu thuê bao internet băng thông rộng, 15,7 triệu thuê bao 3G. Số người dùng internet ở Việt Nam khoảng 31 triệu người (chiếm 34% trên tổng số dân), có 8,5 triệu người dùng mạng facebook…
Trong khi đó, tới năm 2018 tỷ lệ thuê bao smartphone ở Việt Nam tăng mạnh lên khoảng 70%, người dùng mạng 4G tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% tỷ lệ người dùng điện thoại. Đến năm 2021, số lượng thuê bao smartphone củaViệt Nam sẽ tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2015, tỷ lệ thuê bao di động băng thông rộng đạt gần 40%. Theo hãng Ericsson dự báo,
Theo TS. Nguyễn Danh Lương, Phó tổng giám đốc Vietcombank, mobile banking được đánh giá là kênh bùng nổ nhất trong các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại vượt cả internet banking. Theo một báo cáo của KPMG số lượng người sử dụng mobile banking trên toàn cầu năm 2013 chỉ đạt 0,6 tỷ người, đến cuối năm 2017 sẽ đạt 1 tỷ người và cuối năm 2019 là 1,8 tỷ người.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập smartphone trên tổng dân số năm 2016 là 60%, tỷ lệ thâm nhập internet ước đến năm 2020 là 70%.
Dự báo giao dịch ngân hàng thông qua các thiết bị di động sẽ gặp nhiều cuộc tấn công MITM (tấn công như một kẻ nghe trộm, lấy thông tin, làm chệch giao dịch xác nhận của hai bên).
Hệ thống tài chính, ngân hàng đã và đang là đích nhắm hàng đầu của các đối tượng phạm tội công nghệ cao khi tội phạm mạng tăng từ 39% năm 2014 lên 49% năm 2016 và nằm trong Top 5 loại tội phạm kinh tế toàn cầu.