Nhằm giải quyết nhu cầu xử lý rác thải cho 13 xã trên trên địa bàn huyện, năm 2014 UBND huyện Lộc Hà đã có chủ trương đầu tư xây dựng khu xử lý rác tại xã Hồng Lộc.
Theo đó, dự án bãi rác có vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, do Công ty CP Xây dựng Liên Minh thi công trên diện tích 5ha ở khu vực Khe Cấy, xã Hồng Lộc.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2014, gồm các hạng mục như: hồ chôn lấp rác, hồ chứa nước rỉ rác, hồ sinh học, hệ thống cấp - thoát nước, bãi phân loại rác, bãi chứa đất phủ rác, đường giao thông nội bộ, điện chiếu sáng, xe ép chở rác; nhà làm việc, nhà ở cán bộ nhân viên, nhà để xe, kho chứa hóa chất…
Chiếc xe chở rác có trị giá hơn 1 tỷ nằm im một chỗ từ hai năm nay. Ảnh Hoài Nam |
Đầu năm 2015, dự án cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng sau 2 năm đi vào hoạt động, tại nhiều hạng mục của dự án đã bộc lộ hoạt động kém hiệu quả, hư hỏng xuống cấp, thậm chí gây lãng phí khiến người dân bức xúc.
Ghi nhận tại khu dự án này có nhiều hồ tập kết rác lớn được phủ bạt chống thấm màu đen, một số vị trí bạt chống thấm đã bị rách từng mảng...; cạnh đó có 3 dãy nhà cấp 4, một nhà bảo vệ lợp mái tôn được xây dựng mới kiên cố, khang trang, tuy nhiên từ lâu nay các cửa phòng đều khóa chặt và vắng bóng người.
Những mảng bê tông đã rơi, sụp xuống. Ảnh Hoài Nam |
Tại hệ thống mái taluy dương đổ bằng bê tông dày khoảng 5cm, chiều dài 200-300m, cao hơn 2m nằm áp sát dưới chân đồi xuất hiện chi chít đường nứt gãy toác ngang dọc, nhiều vị trí bê tông đã bị sập, sụp lún, sạt lở từng mảng và khoét hàm ếch rất nghiêm trọng kéo dài nhiều mét; hệ thống mương thoát nước cũng bị đất đá vùi lấp…
Đặc biệt, tại khu vực nhà để xe có 1 chiếc xe chuyên dụng dùng để phục vụ việc thu gom, chở và ép rác (gọi là xe ép chở rác) được đầu tư 1,4 tỷ đồng nhưng lại đắp chiếu.
Bãi rác mới đi vào hoạt động được 2 năm đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp. Ảnh Hoài Nam |
Liên quan đến thực trạng này, ông Đạt, cán bộ Ban Xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà (đại diện chủ đầu tư) cho biết, sau khi dự án hoàn thành được 1 năm, hệ thống mái taluy này vẫn đảm bảo an toàn, nhưng sau đó do nước đổ từ trên đồi xuống mạnh, dẫn đến xói mòn và làm mái taluy bị nứt nẻ và sạt lở.
“Để đảm bảo an toàn cho công trình, trước mắt cũng chỉ là sửa chữa khắc phục tạm thời, còn về lâu dài đang tính toán lập phương án cụ thể để trình lên UBND tỉnh và Sở Xây dựng xin tiếp tục đầu tư kinh phí (ước tính khoảng 15 tỷ đồng) để xây dựng lại mái taluy dương mới kiên cố bằng cách đúc mái dầm chịu lực, ghép bê tông, tạo các rảnh thoát nước”, ông Đạt nói.
Khi hỏi đến việc chiếc xe chở rác hơn 1 tỷ đồng lại đắp chiếu 2 năm nay không sử dụng, ông Đạt lý giải: “Về nguyên tắc hoạt động của dự án bãi rác khi triển khai là xe rác bắt buộc phải có, bởi đó là công cụ thiết yếu nhất . Còn về việc xe rác hoạt động chưa có hiệu quả và cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang mà chưa sử dụng hết công năng, là do chức năng của đơn vị sử dụng là Ban quản lý (BQL) cụm công nghiệp huyện Lộc Hà quản lý vận hành”.
Nhiều dãy nhà dự án được xây dựng khang trang, nhưng nhiều năm nay luôn trong tình trạng khóa chặt cửa, vắng bóng người. Ảnh Hoài Nam |
Trao đổi với PV, ông Phan Văn Hồng, cán bộ BQL cụm công nghiệp huyện Lộc Hà (đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành bãi rác), cho biết: “Do tại các hợp tác xã (HTX) thu gom và vận chuyển rác của 13 xã trên địa bàn huyện Lộc Hà vẫn chưa có thùng rác đồng bộ, phù hợp đi cùng với xe khiến xe không thể hoạt động được. Về việc xe ép chở rác chưa sử dụng thì đúng là có sự lãng phí”.
Cũng theo ông Hồng, để sử dụng xe ép rác có hiệu quả thì các HTX tại 13 xã trên địa bàn huyện cần phải có các thùng đựng rác đồng bộ đúng kích cỡ để thu gom, vận chuyển rác về bãi rác.
Hà Tĩnh: Bãi tập kết bị ‘tê liệt’, phố núi ngập trong rác
Cuộc sống của người dân tại thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) đang bị đảo lộn khi hơn 1 tháng nay khu tập kết xử ... |