NSLĐ xã hội là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Cách tính này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cụ thể, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Tính trong giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng 4,88%/năm.
Theo kết quả Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ (năm 2011) xuống 45,3 giờ (năm 2018).
NSLĐ trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành đạt 43.400 đồng, cao hơn 3.500 đồng so với năm 2017.
Khu vực nông, lâm, thủy sản là thấp nhất. Đến năm 2018, theo giá hiện hành, NSLĐ khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động.
Ngoài ra, NSLĐ ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ vẫn chưa đạt kì vọng.
Lao động ở khu vực nông, lâm, thủy sản có năng suất thấp gần 3 lần so với bình quân cả nước. (Đồ họa: Tất Đạt).
Năm 2018, NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng theo giá hiện hành đạt 131 triệu đồng/lao động. Khu vực dịch vụ có mức NSLĐ ước tính đạt 118,1 triệu đồng/lao động.
Doanh nghiệp Nhà nước có mức năng suất lao động đạt 678,1 triệu đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Thấp hơn 2,5 lần là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn đến 3,5 lần.
Chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước, nên NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Nhà nước có năng suất cao nhưng còn quá dựa dẫm vào lợi thế về phân bổ nguồn lực. (Đồ họa: Tất Đạt).
Tính theo sức mua tương đương (PPP), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.
Tính theo PPP 2011, NSLĐ mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Năm 2015, mỗi giờ người lao động Việt chỉ tạo ra 4,4 USD. Trong khi đó, Malaysia gấp gần 6 lần nước ta, Thái Lan và Indonesia gấp gần 3 lần, Philippines gấp gần 2 lần.
Trong khối, Singapore đạt mức NSLĐ theo giờ cao nhất, với 54,9 USD, gấp 12,5 lần Việt Nam. Mặc dù, số giờ làm việc mỗi tuần của Singapore đang nhiều hơn Việt Nam.
Tuy có tốc độ tăng ổn định nhưng năng suất của lao động Việt Nam còn quá khiêm tốn so với khu vực. (Đồ họa: Tất Đạt).
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, có nhiều nguyên nhân khiến cho mức NSLĐ của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, quan trọng nhất là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm.
Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỉ trọng thấp. Hiện nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 37,7% lao động của cả nước, nhưng chỉ tạo ra 14,7% GDP. Theo ông, đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho NSLĐ của Việt Nam thấp.
Ngoài ra, tình trạng máy móc, thiết bị và qui trình công nghệ còn lạc hậu cũng ảnh hưởng. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018, Việt Nam được xếp hạng chung là 77/140 quốc gia, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều.
Máy móc, thiết bị lạc hậu, trình độ nhân lực kém là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến NSLĐ của cả nước. (Ảnh: Công Hiền).
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế cũng là điều làm NSLĐ khó tăng cao. Cả nước hiện có tới 42,4 triệu lao động chưa được đào tạo trình độ chuyên môn kĩ thuật, chiếm 78,1% tổng số lao động.
Những năm qua, một số "điểm nghẽn" về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đã ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Việt Nam hiện ở vị trí thứ 68 trên 190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh.
Tổng cục Thống kê lưu ý để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.