Một doanh nghiệp dệt may tại Thanh Hóa sắp chào sàn HOSE

34,8 triệu cổ phiếu AAT của CTCP Tiên Sơn Thanh Hoá đã được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có quyết định chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu AAT của CTCP Tiên Sơn Thanh Hoá. Khối lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là 34,8 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 348 tỷ đồng. 

Ðây không phải là lần đăng ký niêm yết đầu tiên của doanh nghiệp này. Trước đó, vào tháng 8/2015, Tiên Sơn Thanh Hoá đã nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau đó xin rút hồ sơ với lý do để hoàn thiện các thủ tục tài liệu.

Tiên Sơn Thanh Hoá tiền thân là Công ty Tiên Sơn - TNHH, thành lập ngày 22/7/1995 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 550 triệu đồng. Tháng 3/2014, công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần đồng thời nâng vốn điều lệ lên 348 tỷ đồng. 

Ban đầu, hoạt động chính của Tiên Sơn Thanh Hoá là kinh doanh thương mại tổng hợp, mua bán vật liệu xây dựng, vận tải và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Sau đó, công ty đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất hàng may mặc để xuất khẩu và đến nay, ngành hàng này đã trở thành lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của công ty.

Hiện tại, hệ thống quản lý của công ty gồm 5 nhà máy may cung ứng sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng. 

Cơ cấu cổ đông biến động trước thềm niêm yết

Tại thời điểm cuối quý I/2020, cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm 5 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Lâm (tỷ lệ sở hữu 9,86%), bà Nguyễn Thị Dụ (7,75%), Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trịnh Xuân Lượng (7,18%), Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Trịnh Văn Dương (7,18%) và Phó Tổng Giám đốc Trịnh Xuân Dưỡng  (7,18%).

Tuy nhiên, tính đến ngày 14/5/2020 chỉ còn ông Trịnh Xuân Lâm giữ nguyên lượng cổ phần sở hữu trong khi bà Nguyễn Thị Dụ, ông Trần Xuân Lượng, ông Trịnh Văn Dương và ông Trịnh Xuân Dưỡng đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống lần lượt 0,29%; 2,87%; 1,29% và 1,15%.  

Số cổ phần còn lại được nắm giữ bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Cơ cấu cổ đông của công ty không gồm cổ đông nước ngoài. 

nbxcnb - Ảnh 1.

Danh sách cổ đông lớn tính đến ngày 14/5/2020. (Nguồn: Bản cáo bạch của Tiên Sơn Thanh Hoá).

Trên báo cáo tài chính quý III/2020 của Tiên Sơn Thanh Hoá, điểm đáng lưu ý là công ty có giao dịch với các bên liên quan như CTCP Lương Phát, CTCP Great Vina, CTCP DG Win Việt Nam...

Một doanh nghiệp dệt may niêm yết  - Ảnh 2.

(Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tiên Sơn Thanh Hoá).

Đây đều là những công ty thuộc sở hữu của các cổ đông trên. Cụ thể, công ty Lương Phát do ông Trịnh Xuân Lượng làm Chủ tịch HÐQT và sở hữu 50,97% vốn. Số dư trả trước với công ty liên kết này đến cuối năm 2019 là 66,3 tỷ đồng, chiếm 84% giá trị khoản mục trả trước của AAT.

Ngoài ra, ông Lượng còn nắm giữ chức vụ Thành viên HĐQT của May Yên Định và góp 30% vốn tại đây. 

Một lãnh đạo khác là ông Trịnh Văn Dương cũng đang giữ vị trí Chủ tịch HÐQT tại cả DG Win Việt Nam và Great Vina, tương ứng tỷ lệ sở hữu 99,4% và 60%. 

Kinh doanh gặp khó cùng ngành dệt may

Kinh doanh của Tiên Sơn Thanh Hoá giai đoạn 2018 - 2019 chứng kiến sự tăng trưởng với doanh thu nằm trong khoảng 296 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2017. 

Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2018 đạt 24 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Đến năm 2019, lãi sau thuế đã giảm 12% xuống còn 21 tỷ đồng, chủ yếu là do lợi nhuận mảng hoạt động thương mại giảm 21% bởi sự gia tăng đáng kể trong chi phí giá vốn. 

Một doanh nghiệp dệt may niêm yết  - Ảnh 3.

(Nguồn: Linh Giang tổng hợp từ BCTC của Tiên Sơn Thanh Hoá).

Năm 2020, khi toàn ngành dệt may gặp khó, Tiên Sơn Thanh Hoá báo cáo doanh thu thuần quý III đạt hơn 75 tỷ đồng, gần gấp 2 lần cùng kỳ nhưng lãi sau thuế giảm 26% xuống còn 2 tỷ đồng. 

Theo giải trình, lợi nhuận của công ty giảm do dịch Covid-19 tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, công ty vẫn đang cố gắng duy trì các hoạt động gia công, cho thuê nhà xưởng và hoạt động thương mại khác.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Tiên Sơn Thanh Hoá đạt 583 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong đó tài sản dài hạn chiếm tới 70%. 

Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 16% lên 131 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản nợ của CTCP May Minh Anh Thọ Xuân (liên quan đến hoạt động mua bán Nhà máy May Thọ Xuân) hơn 61,5 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý III/2020, nợ phải trả của công ty giảm 16% so với đầu năm, đạt 160 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn chiếm hơn 93 tỷ đồng (tăng 31%) và dư nợ vay dài hạn hơn 67 tỷ đồng (giảm 44%).

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.