Một số thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng nên biết để phòng tránh

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với chủ trương thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều được thực hiện qua không gian mạng. Cũng từ đó, hoạt động lừa đảo qua hình thức này ngày càng gia tăng, đặc biệt là thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo.

Theo báo Chính phủ, thống kê từ Bộ Công an cho thấy, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên cả nước có 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Dưới đây là một số chiêu thức lừa đảo qua không gian mạng phổ biến trong thời gian vừa qua.

Giả mạo nhà cung cấp dịch vụ để lừa đảo

Đây là hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay. Theo đó, kẻ gian sẽ làm giả trang web đại diện của nhà cung cấp dịch vụ và sau đó cố gắng lừa khách hàng truy cập vào đó, yêu cầu người dùng cập nhật thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số CMND, số tài khoản ngân hàng...

Sau đó, khách hàng sẽ nhận được cuộc gọi thông báo là đang nợ một khoản thuế nào đó, và yêu cầu phải thanh toán ngay lập tức. Người gọi còn thậm chí có thể đe dọa bắt giữ những người không thanh toán tiền.

Các đối tượng xấu cũng đánh cắp tài khoản mạng xã hội (facebook) của người dùng, sau đó nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của tài khoản đó để nhờ chuyển tiền cho người thân theo số tài khoản mà đối tượng cung cấp hoặc nhờ mua thẻ cào điện thoại di dộng rồi nhắn tin mã số thẻ cào cho đối tượng nạp để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng xấu còn giả danh nhân viên của các công ty, tạo ra các website giả và sử dụng mạng xã hội nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người nhận quà phải nộp tiền đóng phí.

Theo phản ánh của báo Công an nhân dân, chị Trần Thị Nga (TP HCM) cho biết, khoảng giữa tháng 8/2020 chị nhận được cuộc điện thoại từ một giọng nữ xưng tên Hằng, nhân viên của Tập đoàn điện tử Elictronic nói rằng chị Nga có mua các sản phẩm của tập đoàn đúng vào dịp tri ân khách hàng, nên tập đoàn có dành cho chị hai món quà tặng có giá trị, bao gồm thẻ VIP trị giá hai triệu đồng mua sắm tại các hệ thống siêu thị, điện máy, và một chiếc điện thoại Samsung S9 Plus.

Theo nữ đối tượng trên, vì đây là quà tặng là có giá trị trên 10 triệu đồng nên bưu điện yêu cầu công ty phải mua bảo hiểm cho kiện hàng. Nữ đối tượng còn hướng dẫn chị cách thức kiểm tra và nhận hàng. Tuy nhiên, để nhận kiện hàng quà tặng này, chị Nga phải đóng thuế 10% trị giá hàng hóa cùng các loại thuế phí liên quan khác, tổng cộng hơn hai triệu đồng.

Sau khi tra thông tin trên mạng, chị Nga thấy không có tập đoàn hoặc sản phẩm điện tử nào mang tên Elictronic, và địa chỉ mà đối tượng nữ cung cấp cũng không có. Nghi ngờ bị lừa, nên chị Nga từ chối nhận quà tặng. Thế nhưng, nhiều ngày sau đó, chị Nga liên tục nhận được các cuộc gọi giục chị nhận hàng.

"Thấy vô lí, tôi nói là cho họ số quà tặng đó, nhưng họ đều từ chối và cho rằng, cái họ cần là giao quà tặng và thu số tiền thuế phí hơn hai triệu đồng khách hàng. Chính vì điều này mà tôi càng khẳng định là mình đã bị lừa", chị Nga chia sẻ.

Hình thức lừa đảo thông qua tài khoản ngân hàng

Đi cùng với sự phát triển của dịch vụ Internet Banking, ngày càng có nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin của người dùng để lừa đảo và chiếm đoạt tiền bạc.

Theo cảnh báo từ Ngân hàng VPBank, chiêu thức giả mạo nhân viên ngân hàng được tội phạm sử dụng nhiều nhất bởi nhiều khách hàng có tâm lí tin tưởng và không đề phòng đối với nhân viên ngân hàng.

Thường thì tội phạm sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo tới khách hàng rằng đang có một món tiền treo trên hệ thống chờ nhận và cần cung cấp số chứng minh thư nhân dân và mã OTP để ngân hàng hoàn tất thủ tục nhận tiền.

Hoặc một cách phổ thông khác, tội phạm sẽ thông báo là khách hàng đã trúng thưởng và nếu muốn nhận quà, người nhận sẽ phải cung cấp số tài khoản, mật khẩu và mã OTP để ngân hàng có thể tiến hàng trao thưởng.

Chiêu thức giả mạo cơ quan chức năng để đánh vào những nhóm đối tượng hơi "yếu bóng vía". Chúng sẽ tự xưng là cơ quan công an và thông báo cho khách hàng rằng tài khoản của khách hàng đã bị tội phạm xâm nhập trái phép, khách hàng cần phải cung cấp số tài khoản, mật khẩu và OTP để cán bộ tiến hành điều tra và tìm cách xử lí.

Một chiêu thức khác nữa là giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo. Theo đó, kẻ xấu sẽ gửi một tin nhắn với nội dung: “Chị ơi, em có khoản tiền nước ngoài mới chuyển về, chị vào đường link này đăng nhập tài khoản Internet Banking và OTP để nhận tiền giúp em với” và không ít khách hàng đã làm theo. Tuy nhiên, đó là một đường link độc hại khiến khách hàng mất hết dữ liệu cá nhân và các khoản tiền có trong ngân hàng.

Một số thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng nên biết để phòng tránh - Ảnh 2.

Nhiều thẻ ATM được dùng để rút tiền lừa đảo đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM thu giữ. (Ảnh: Báo Công an nhân dân).

Mặc dù ngân hàng luôn khuyến cáo khách hàng không cung cấp mã OTP cho bất kì ai, kể cả ngân hàng, một số khách hàng thiếu cảnh giác vẫn bị kẻ gian lừa dẫn đến mất tài khoản Internet Banking và mất tiền.

Theo thông tin từ ngân hàng Agribank, chị N. (TP Hà Nội) thường xuyên bán hàng online, mới đây, khi có khách đặt hàng, chị đã chủ động yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước rồi mới giao hàng. Kẻ gian thông báo đã chuyển cho chị qua ví điện tử, và gửi link trang web trangdientu.com để xác nhận nhận tiền.

Tuy nhiên, đây là một trang website lừa đảo, yêu cầu chị xác nhận tên, mật khẩu đăng nhập vào Internet Banking/Mobile Banking và từng bước xác thực mã OTP báo về điện thoại và bị rút tiền.

Điều đáng nói là trên trangdientu.com, mặc dù màn hình có ghi nội dung "Quí khách đăng nhập tài khoản Mobile Banking hoặc Internet Banking để xác minh nhận tiền về tài khoản" nhưng thực chất đây là trang web lừa đảo rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng, đại diện Agribank cảnh báo.

Giả danh cán bộ cơ quan nhà nước

Bộ Công an cảnh báo, đặc điểm chung của loại tội phạm này là chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân.

Sau đó, kẻ gian yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Ngoài ra, một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi với bất kì ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan công an được biết.

Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.

Theo VTV đưa tin, sau những cuộc điện thoại đe dọa từ nhóm đối tượng giả danh là Công an, Viện kiểm sát, một người phụ nữ đã mất gần 20 tỉ đồng vì tin vào "kịch bản" các đối tượng đã dàn dựng.

"Nó không bảo mình là tội phạm, mà bảo mình có liên đới với một đối tượng đang bị bắt giữ. Nếu nó nói mình là tội phạm thì mình đã biết rồi. Nó nói đến lĩnh vực ngân hàng, mà lĩnh vực ngân hàng tôi cũng đã tiếp xúc rồi nên tôi thấy đúng", nạn nhân này cho hay.

Đáng chú ý, trong các vụ việc trước đây, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào số tài khoán mà các đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, trong vụ án lần này, các đối tượng chỉ yêu cầu nạn nhân mở một tài khoản ngân hàng mới, có đăng kí dịch vụ Internet Banking, smart Banking gắn thêm số điện thoại của đối tượng, hoạt động song song với số điện thoại của nạn nhân. Sau đó, các đối tượng đã chuyển và rút hết toàn bộ số tiền mà nạn nhân cũng không hề hay biết.

Người dân cần lưu ý những gì để không bị “mất tiền oan”

Theo thông tin từ Bộ Công an, tình trạng các đối tượng giả danh Công an, Viện KSND, Toà án, Hải quan, bưu điện, ngân hàng, viễn thông, giao hàng... xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua. Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng số nạn nhân vẫn không giảm, một mặt do người dân vẫn thiếu cảnh giác, mặt khác do các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thủ đoạn.

Vì vậy, để tránh bị lừa, Bộ Công an khuyến cáo, những trường hợp đầu số lạ gọi đến thông báo có hộp quà, nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng... thì người dân tuyệt đối không tin.

Còn trường hợp người xưng là cán bộ các cơ quan công quyền như Công an, Viện KSND, Toà án, gọi đến để điều tra, xác minh thì đó chính là lừa đảo. Bởi vì cơ quan công quyền sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan và làm việc trực tiếp, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại hoặc mạng xã hội.

Đồng thời, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kì người lạ nào.

Khi nhận những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản, nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo, đồng thời  nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để xác minh thông tin.

Người dùng mạng xã hội cũng được khuyến cáo thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân và số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội, trong trường hợp phải có tài khoản ngân hàng công khai cho việc kinh doanh mua bán thì nên duy trì tiền trong tài khoản ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Nếu gặp phải những trường hợp như vậy, người dân nên báo ngay với cơ quan Công an gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.