Phillip Lim, 55 tuổi, gắn bó với công việc cứu hộ hơn một thập kỉ. Ảnh: Channel News Asia |
Cơn giông bất ngờ khiến lão ngư kéo lưới lảo đảo vì cơn gió mạnh. Đập đầu vào chân vịt con thuyền ông lão bất tỉnh và chìm xuống biển.
"Gương mặt ông ấy dập nát, rất kinh khủng", Phillip Lim, một chủ trang trại gần eo biển Johor, người vớt cái xác 4 năm trước, kể lại.
Đây là một trong nhiều câu chuyện trong hành trình 10 năm làm cứu hộ tình nguyện của Lim cùng hơn 15 người khác ở vùng biển đảo Ubin.
Công việc lặng thầm
Tất cả thợ lặn đều có thiết bị liên lạc, kính lặn ban đêm và thiết bị kiểm soát nổi, đảm bảo an toàn trong tình huống nguy cấp. Ảnh: Channel News Asia |
Phillip Lim sáng lập nhóm cứu hộ tình nguyện và cống hiến cuộc đời để giúp đỡ người khác sau tai nạn khiến ông suýt bỏ mạng năm 2007.
"Động cơ thuyền hỏng khi giông bão nổi lên, tôi ngã xuống biển, chân bị kẹt trong thuyền và một nửa cơ thể ở dưới nước. Một ngư dân đã cứu sống tôi. Nếu không có ông ấy, có lẽ tôi đã chết lâu rồi", Lim hồi tưởng.
Vài tháng sau, chứng kiến cảnh ngôi nhà nổi sụp đổ, Lim tập hợp ba người bạn thân là thợ lặn tìm kiếm thi thể và tài sản quý giá cho các nạn nhân dưới đống đổ nát.
Nhiều ngư dân, chèo thuyền kayak và chủ trang trại trong vùng tham gia cùng Lim. Nhóm của ông hiện có 15 người. Họ làm việc lặng thầm, không muốn "tên mình xuất hiện trên báo chí, Lim chia sẻ với Channel News Asia.
Lim kể, ông từng chứng kiến những thi thể bị rỉa sạch phần chân, giải cứu ngư dân lớn tuổi truỵ tim giữa biển, hay giúp đỡ nhóm chèo thuyền kayak bị đánh úp giữa biển vì giông tố.Ký ức đau lòng nhất là trường hợp một tay chèo kayak bị sét đánh năm 2007.
"Khi sắp tới nơi, cơ thể cậu ấy bốc cháy. Lúc đó cậu ấy vẫn còn sống, gương mặt lộ rõ vẻ kinh hoàng và đau đớn. Cậu ấy qua đời một ngày sau khi được chuyển vào viện", Lim chia sẻ.
Không có thời gian đợi chờ
Từng là thợ lặn cho công ty dầu khí và vận chuyển, Lim quen với độ sâu và hiểm nguy dưới lòng đại dương và nhiều lần chứng kiến khoảnh khắc sinh tử của đồng nghiệp.
Khi nhiều người cho rằng nhóm ông thiếu chuyên nghiệp, Lim khẳng định họ đều được huấn luyện kĩ năng cấp cứu, hô hấp.
"Thợ lặn đều có thiết bị liên lạc, kính lặn ban đêm và thiết bị kiểm soát nổi, đảm bảo an toàn trong tình huống nguy cấp. Nếu dòng nước quá mạnh, nhiệm vụ sẽ được huỷ", Lim nói.
"Khi phát hiện điều gì đó, chúng tôi sẽ lập tức hành động. Không có thời gian để chờ đợi. Nạn nhân đuối nước chỉ có 5-10 phuts để sống sót. Nếu có thể cứu sống ai đó, tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng. Nếu thời điểm đó qua đi, chúng tôi tìm thi thể", Lim nói.
Nhóm "thiên thần biển cả" nhiều lần mâu thuẫn với nhà chức trách. Bởi nếu tìm thấy xác, họ lại bị thẩm vấn. Thời gian gọi cứu hộ cũng bằng thời gian để họ cứu nạn nhân.
Không vị lợi
Lim sống trên nhà nổi cùng 12 chú chó. Ảnh: Channel News Asia |
Năm 2002, chán ngán cuộc sống thị thành xô bồ, Lim quyết định sống ở trang trại nuôi trồng nhìn ra biển, đối mặt với những cơn gió lạnh thường trực.
Vợ và hai con ông vẫn sống trong đất liền. Họ luôn ủng hộ công việc của Lim và thường tới thăm ông mỗi tuần một lần.
Ngoài tìm kiếm cứu nạn, nhóm của Lim còn bảo tồn khu rừng đước và các sinh vật biển trong vùng. Họ cũng vận động quỹ từ đất liền để chăm sóc người già trên đảo Ubin.
"Ubin là ngôi làng đúng nghĩa nhất còn lại ở Singapore, theo tinh thần không vụ lợi. Nếu bạn cần, tôi sẽ giúp. Điều đó có ý nghĩa hơn sống trong một ngôi nhà mà bạn thậm chí không biết hàng xóm", Lim tâm sự.
Sống sót sau 58 ngày uống nước mưa, ăn rong rêu khi lênh đênh trên biển | |
Người đàn ông sống sót sau 28 giờ lênh đênh giữa Ấn Độ Dương |