Trường THCS Dịch Vọng bị tố gợi ý học sinh "chưa được như ý" làm đơn chuyển trường |
Phản ánh với Báo Thanh Niên, một phụ huynh Trường THCS Dịch Vọng cho hay, vào khoảng tháng 7 vừa qua, gia đình nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm nhắn rằng cô Phạm Thanh B., Phó hiệu trưởng nhà trường có “lời mời” đến gặp cô để trao đổi về tình hình học tập của con. Tại buổi gặp này, cô B. nói sức học của cháu yếu nên sẽ không theo kịp với các bạn và “gợi ý” gia đình nên xin cho cháu sang trường khác phù hợp hơn…
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, trường hợp này không phải cá biệt, có hàng chục phụ huynh khác cũng đã nhận được sự “gợi ý” trên và phải tìm chỗ học khác cho con. Do hộ khẩu trái tuyến nên nhiều gia đình chỉ có thể gửi con ở trường ngoài công lập với mức học phí cao hơn rất nhiều so với học ở trường công và không phải gia đình nào cũng có điều kiện để chi trả.
Không ít người nghĩ đơn giản là do con mình học yếu nên chấp nhận chuyển trường vì nhà trường có “quyền” sàng lọc để không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10… Tuy nhiên, đây là việc làm vi phạm luật Giáo dục hiện hành.
Báo cáo với Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy, Ban giám hiệu Trường THCS Dịch Vọng thừa nhận, đối với những học sinh học yếu, nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng để học sinh tiến bộ. Tuy nhiên, với một số học sinh khó có khả năng theo kịp các bạn cùng lớp, đại diện nhà trường đã gặp gỡ phụ huynh để thông báo tình hình học tập, đồng thời tư vấn cho một số phụ huynh tìm môi trường phù hợp hơn cho con.
Năm học 2017 - 2018, toàn trường có 51 học sinh chuyển đi (khối lớp 7 là 13 học sinh, khối lớp 8 là 16 học sinh, lớp 9 là 22 học sinh). Trong đó, có 30 học sinh xếp loại học lực trung bình trở xuống, 33 học sinh chuyển sang học trường ngoài công lập…
Tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, Trường THCS Dịch Vọng là trường công lập, không phải là trường công chất lượng cao hay thí điểm mô hình tự chủ. Cả phường Dịch Vọng chỉ có duy nhất trường này là trường THCS công lập, được Nhà nước đầu tư thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận tất cả học sinh hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp tiểu học có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường lên học THCS. Cũng do là trường công lập nên nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên, trả lương giáo viên… chủ yếu do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Điều đáng nói, theo luật Giáo dục hiện hành, cùng với tiểu học, cấp THCS là cấp học phổ cập bắt buộc. Theo Điều lệ trường trung học mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, trường THCS có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.
Như vậy, Trường THCS Dịch Vọng không có quyền "từ chối" dạy học sinh đúng tuyến trên địa bàn.
Điều 11 luật Giáo dục hiện hành quy định: 1. Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. 2. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. 3. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. |