Hai người cùng đảm nhiệm vị trí vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại là ông Lưu Quang Khánh và ông Trần Nhật Thành |
Hai người hiện đang cùng đảm nhiệm vị trí vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại là ông Lưu Quang Khánh và ông Trần Nhật Thành.
"Phải có chỗ trống mới sắp xếp được. Ngoài ra, việc điều động phải phù hợp cả về vị trí, chuyên môn, kinh nghiệm công tác. Chẳng hạn, với Cục Đầu tư nước ngoài, bộ cũng đang làm phương án, nhưng chả lẽ lại điều lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài về làm trung tâm tin học?" Ông NGUYỄN THẾ NGÂN |
2 vụ trưởng, 5 vụ phó
Theo quy định của Bộ Kế hoạch - đầu tư, Vụ Kinh tế đối ngoại là đơn vị giúp bộ trưởng thực hiện chức năng tổng hợp kinh tế đối ngoại, quản lý nhà nước về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, quan hệ đối ngoại với các đối tác nước ngoài, làm nhiệm vụ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với nước Lào, Campuchia, hội nhập kinh tế quốc tế, Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS)...
Trong 2 vụ trưởng của Vụ Kinh tế đối ngoại, ông Trần Nhật Thành được bổ nhiệm vị trí vụ trưởng - phụ trách Ban hợp tác Lào - Campuchia.
Tuy nhiên, 2 vụ trưởng trong cùng một vụ chưa phải số lượng người đứng đầu nhiều nhất ở đơn vị này. Trước đó, có thời gian Vụ Kinh tế đối ngoại có đến 3 người đồng thời làm vụ trưởng.
Gần đây, vào năm 2017, một trong 3 vụ trưởng là ông Trần Quốc Phương - vụ trưởng, điều phối viên quốc gia về hợp tác tiểu vùng Mekong (GMS) thuộc Vụ Kinh tế đối ngoại kiêm nhiệm Vụ thư ký bộ trưởng - đã được điều động và bổ nhiệm chức vụ vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân. Do vậy, vụ này còn lại 2 vụ trưởng.
Cũng chính ở Vụ Kinh tế đối ngoại hiện đang có đến 5 phó vụ trưởng, vượt khung quy định thông thường. Ngoài ra, không chỉ ở Vụ Kinh tế đối ngoại mà ở một số cục, vụ khác của Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng có tình trạng dư thừa cấp phó.
Thống kê cho thấy có 5 đơn vị thuộc bộ đang bị thừa 7 cấp phó.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vụ Tổ chức - biên chế Bộ Nội vụ khẳng định việc bổ nhiệm 2 vụ trưởng ở một vụ là không đúng quy định, "không có văn bản nào cho phép một vụ có đến 2 vụ trưởng cả".
Theo đó, Luật tổ chức Chính phủ đã quy định cấp tổng cục không quá 4 phó, cục và vụ không quá 3 phó, còn cấp trưởng chỉ có 1.
Đồ họa: V.CƯỜNG |
Đã tồn tại cả chục năm
Ông Nguyễn Thế Ngân, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Kế hoạch - đầu tư, nói Vụ Kinh tế đối ngoại của bộ là một trong những vụ có cơ cấu tổ chức khá lớn với hơn 30 người, cao hơn so với mức bình quân các cục, vụ nằm trong bộ.
Ông cũng nhìn nhận: tình trạng "có nhiều hơn một vụ trưởng" đã tồn tại khoảng chục năm qua.
Theo ông Ngân, trước đó Ban hợp tác Lào - Campuchia được sáp nhập với Vụ Kinh tế đối ngoại, nhưng sau đó Bộ Kế hoạch - đầu tư đã có đề án và báo cáo xin tách ra thành hai vụ độc lập. Song sau đó Chính phủ không duyệt nên phương án này bị "tắc" lại.
Tuy nhiên, vì một trong hai vụ trưởng đương nhiệm của Vụ Kinh tế đối ngoại sẽ nghỉ hưu trong hai năm tới, nên tạm thời bộ vẫn giữ nguyên 2 vụ trưởng. Đến khi một trong hai người nghỉ hưu, cơ cấu tổ chức của vụ mới trở lại bình thường với 1 vụ trưởng.
"Vậy 2 vụ trưởng cùng lãnh đạo một vụ có dẫn đến việc chỉ đạo chồng chéo, giẫm chân lên nhau?". Ông Ngân giải thích: ông Lưu Quang Khánh phụ trách chỉ đạo chung, còn ông Trần Nhật Thành chủ yếu phụ trách quan hệ với Lào và Campuchia nên "không giẫm chân nhau".
Riêng việc dư thừa cấp lãnh đạo ở các cục, vụ, Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng sẽ sắp xếp lại trong thời gian tới, "nhưng cần có lộ trình vì yếu tố lịch sử để lại".
Xin được chủ động thiết kế bộ máy Theo ông Nguyễn Thế Ngân, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã hai lần đề xuất với Chính phủ phương án được chủ động điều phối, quy hoạch cấp phó phù hợp, miễn đảm bảo tổng số cấp phó không vượt quy định. Bởi lẽ, ngay tại Bộ Kế hoạch - đầu tư, bên cạnh 5 đơn vị thừa 7 cấp phó thì lại có 11 đơn vị thiếu 18 cấp phó - trong đó các đơn vị thiếu cấp phó chủ yếu là các đơn vị nhỏ, các viện, trường... |