Tết thầy xưa...
Truyền thống “mùng 3 tết thầy” vốn được xem là nét đẹp trong văn hóa người Việt. Trước đây, khi Nho học thịnh hành, chưa có ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, người Việt xem mùng 3 Tết là ngày dành thời gian đến thăm hỏi người thầy dạy dỗ mình, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” – truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Quan niệm "mùng 3 tết Thầy" xuất phát từ nền giáo dục gắn liền cùng Nho học. (Ảnh: Công Lý) |
Nho giáo vốn đề cao vai trò của người thầy, điều này thể hiện rõ trong trật tự “quân – sư – phụ” ngày xưa. Người thầy được đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau vua, trên cả cha mẹ. Nho học luôn nhắc người Việt coi trọng vai trò của người thầy, xem thầy như cha mẹ, những lễ nghĩa, đạo hiếu với cha mẹ như thế nào, với thầy cũng như thế. Tâm thức người Việt vì vậy luôn xem trọng và biết ơn công lao của người thầy.
GS Ngô Đức Thịnh, người chuyên nghiên cứu về văn hóa Việt Nam từng mô tả về “mùng 3 tết thầy” thời xưa rằng: Mùng 3 Tết, nhà các thầy đồ luôn đông vui nhộn nhịp bởi các lứa học trò thay nhau đến chúc tết. Món quà mang đến cho thầy thường là bánh trái, hoa quả, những sản vật địa phương. Khi đến thăm thầy, người học trò được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất sẽ đứng lên thưa với thầy về sự có mặt của bạn bè đồng môn và chúc thầy những điều tốt lành. "Ngày xưa dù ai làm đến quan nhất phẩm trong triều đình, đứng trước thầy vẫn một lòng kính trọng với người từng dạy dỗ mình", GS Ngô Đức Thịnh, cho biết.
Câu nói “mùng 3 tết thầy” thể hiện đúng tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt xưa. Sau 2 ngày thăm hỏi cha mẹ, tròn đạo hiếu, ngày mùng 3 đã là truyền thống – nếp quen mỗi người cần làm trước khi bước vào mùa của những buổi du xuân, vui chơi lễ hội. Truyền thống tốt đẹp ấy được duy trì đến mãi tận hôm nay, nhắc nhớ công ơn thầy cô – những người giữ vai trò truyền đạt kiến thức, đề cao vai trò của nghề giáo – nghề cao quý trong xã hội.
... và Tết nay
Ngày nay, tục “mùng 3 Tết thầy” đã dần ít nhiều thay đổi vì nhiều lẽ. Ngày Nhà giáo Việt Nam ra đời đã trở thành ngày quan trọng để người Việt bày tỏ lòng biết ơn, sự quan tâm, chia sẻ cùng những thầy cô đã có công dạy dỗ mình. Các thế hệ học trò đều dành ngày này để đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện cùng thầy cô thay vì chỉ vào “mùng 3” như quan niệm dân gian xưa.
Mặt khác, cũng không hẳn chỉ mùng 3 Tết, thầy cô mới được học trò ghé thăm. Không khí ngày Tết bận rộn, nhiều người đã thu xếp đến thăm thầy cô sớm hơn hoặc muộn hơn, bất kỳ thời gian nào phù hợp nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với thầy cô.
Nói như các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, “mùng 3 Tết thầy” là sản phẩm của nền giáo dục Nho học và khi Nho học đã xa dần, nếp sống hiện đại đã tự mình điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới. GS Ngô Đức Thịnh nhận xét: “Con số mùng 3 chỉ mang tính tượng trưng. Người ta có thể đến thăm thầy vào mùng 4, mùng 5 vẫn mang ý nghĩ là nhớ đến người dạy mình trong dịp đầu năm mới".
Ngày nay, mỗi dịp Tết đến, việc ghé thăm chúc Tết thầy cô vẫn được nhiều người duy trì. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn thể hiện rõ qua những lời thăm hỏi, trò chuyện chân thành. Nhiều lớp học trò dù đã lớn tuổi vẫn tranh thủ ghé thăm, chúc Tết thầy cô mình tạo nên những hình ảnh thật đẹp, nhiều ý nghĩa. Ở nhiều trường Đại học, các Khoa vẫn tổ chức đi thăm các thầy cô giáo về hưu như một cách bày tỏ lòng biết ơn với các thầy cô cũng như duy trì được truyền thống tốt đẹp cho những lứa học trò sau tiếp tục.
Các thầy cô Khoa Văn hoc & Ngôn ngữ (ĐH KHXH&NV TP HCM) đến thăm thầy Chu Xuân Diên (ngồi), chúc tết thầy cùng gia đình. |
Tết không chỉ là dịp gặp gỡ thầy cô, nhiều lớp học còn tổ chức họp lớp, gặp gỡ nhau, tổ chức đến thăm thầy cô, cùng trò chuyện và chia sẻ về những thay đổi trong cuộc sống. Buổi đi thăm, chúc Tết thầy cô vì vậy lại càng thêm phần ý nghĩa, tạo kết nối.
Tuy nhiên, ý nghĩa của việc đến thăm thầy cô dù xuất phát từ mong muốn bày tỏ lòng biết ơn với người có công dạy dỗ mình, vẫn chưa đủ. “Không phải cứ đến hỏi thăm thầy cô là xong việc, cái quan trọng hơn là phải nhớ đến những lời dạy của thầy cô từ đó để tu dưỡng, rèn luyện, phát triển bản thân. Điều đó mới thực sự ý nghĩa”, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm để có một “mùng 3 tết thầy” thật ý nghĩa.