Muốn dạy thêm tiếng Trung, tiếng Nga: Đòi hỏi sự cẩn trọng, tránh vội vàng!

“Vấn đề nằm ở công tác đào tạo giáo viên, chuẩn bị giáo trình, phân bổ chương trình ở từng vùng miền và nhu cầu người học tiếng Trung, Nga ra sao? Tránh vội vã, gấp gáp dễ gây dư luận phản ứng”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lưu ý.

Những ngày qua, dư luận đang hết sức quan tâm trước thông tin Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Trung, tiếng Nga từ lớp 3 đến lớp 12 và dạy thí điểm như ngoại ngữ thứ nhất bắt đầu từ năm học 2017 - 2018.

Phóng viên Việt Nam Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT để có cái nhìn tổng thể và khách quan về vấn đề này..

muon day them tieng trung tieng nga doi hoi su can trong tranh voi vang
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: NVCC).

Là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và có nhiều năm làm công tác quản lý trong ngành, ông đánh giá như thế nào về việc áp dụng dạy ngoại ngữ dành cho học sinh?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Trước hết phải khẳng định, mỗi một nền giáo dục đều lấy việc dạy ngoại ngữ cho học sinh làm ngôn ngữ thứ hai bên cạnh ngôn ngữ thứ nhất (là tiếng bản địa) cũng là hoàn toàn có cơ sở. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Ở Việt Nam, việc dạy và học ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) đang dần trở thành xu thế chung bởi tính phổ quát, thông dụng của nó trong quan hệ quốc tế. Phục vụ nhu cầu lao động, học tập, nghiên cứu của con người. Hơn nữa, đối tượng lại là các em học sinh ở bậc phổ thông từ tiểu học lên tới THPT lại càng quan trọng trong quá trình hoàn thiện các kiến thức cơ bản về ngoại ngữ.

Liên quan đến đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020 tầm nhìn đến 2025 của Bộ GD&ĐT thí điểm đưa tiếng Trung, tiếng Nga vào dạy từ lớp 3 đến lớp 12 như ngoại ngữ thứ nhất ngay từ năm 2017, theo ông có thực sự khả thi?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Như đã nói ở trên, vai trò của việc dạy và học ngoại ngữ đối với học sinh phổ thông là rất quan trọng. Trong đó, môn tiếng Anh đang được giảng dạy với mức độ phổ biến nhất.

Bên cạnh đó, việc Bộ GD&ĐT cân nhắc đưa thêm môn tiếng Trung, tiếng Nga vào giảng dạy như ngoại ngữ thứ nhất, tức là các em học sinh ngoài việc phải học tiếng Anh thì sẽ học thêm hai thứ tiếng trên. Điều này ít nhiều đã nhận được sự phản ứng gay gắt của dư luận mấy ngày qua.

Theo tôi, để khẳng định được tính khả thi của đề án này, Bộ cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng trước khi áp dụng tránh vội vã, gấp gáp dễ gây dư luận phản ứng.

Vấn đề nằm ở công tác đào tạo giáo viên, chuẩn bị giáo trình, phân bổ chương trình ở từng cấp độ, vùng miền và nhu cầu người học tiếng Trung, Nga ra sao? Phải có sự khảo sát thực tế xem nhu cầu của người học đến đâu mới có hướng đi tiếp theo. Không thể ép các em học tiếng Trung hay Nga trong khi mình không có nhu cầu.

Theo như thông báo được phát đi trong tối ngày hôm qua (22/9), Bộ GD&ĐT cho biết không bắt buộc học sinh phải học tiếng Trung, tiếng Nga như thông tin trước đó mà dư luận băn khoăn. Đây có lẽ là điều mà lãnh đạo Bộ cần giải thích sớm hơn.

Như vậy thì chúng ta rõ ràng cần phải có quá trình “chạy đà” để chuẩn bị cho việc thực hiện đề án này, thưa ông?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Ở một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản hay Singapore cũng áp dụng chương trình giáo dục ngoại ngữ cho học sinh nhằm đảm bảo hành trang cho các em học sinh có được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ để phục vụ nhu cầu lao động, nghiên cứu hay học tập.

muon day them tieng trung tieng nga doi hoi su can trong tranh voi vang
Học sinh và giáo viên của một trường THCS trong giờ học tiếng Anh (Ảnh: Đình Tuệ).

Phải nói là các nước bạn có điều kiện kinh tế, xã hội cũng như sự chuẩn bị cho quá trình ấy rất chu đáo. Nguồn lực về giáo viên, giáo trình cũng như trang thiết bị phục vụ giảng dạy rõ ràng tốt hơn nước ta rất nhiều.

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng trong quan hệ quốc tế từ lâu. Trong khi các ngoại ngữ khác như tiếng Nhật, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức cũng được giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai ở một số nơi. Chúng ta không nên có cái nhìn phân biệt đối với bất cứ ngoại ngữ nào, nhưng phải dựa trên nhu cầu thực tế của người học. Còn nếu bắt buộc các em học sinh phải học tiếng Trung hay tiếng Nga thì e sẽ là quá nóng vội.

Còn ở nước ta, công tác đào tạo giáo viên hiện có, đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm như thế nào, chuẩn bị giáo trình cũng như kế hoạch triển khai ra sao.

Trong mấy năm vừa qua, do xu thế tiếng Anh tốt nên người dân mong muốn học như vậy. Còn vấn đề đào tạo giáo viên dạy tiếng Trung, tiếng Nga ở các trường dường như đang bị xao lãng, chưa được đầu tư kỹ càng. Nếu vội vã đưa vào dạy đại trà thêm hai thứ tiếng này vào thì sợ rằng chất lượng dạy sẽ không có hiệu quả.

Theo ông, đề án thí điểm dạy tiếng Trung, Nga nên được thực hiện trong khoảng thời gian bao lâu nữa thì hợp lý?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Điều này còn phải phụ thuộc vào tình hình thực tế và kế hoạch rà soát, chuẩn bị mà đơn vị đứng đầu là Bộ GD&ĐT.

Nhưng trên hết, Bộ cần lấy ý kiến từ các chuyên gia phản biện, của phụ huynh xem nhu cầu thực tiễn và tính khả thi ra sao thì mới có hướng tiếp theo. Tuyệt đối tránh nóng vội, tạo ra áp lực cho cả học sinh và phụ huynh trong việc học ngoại ngữ là điều không nên.

Hiện tại, tiếng Nga và Trung được dạy học như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 6 - 12 theo chương trình hiện hành 7 năm. Để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Ban quản lý Đề án trình Bộ trưởng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học tiếng Trung, tiếng Nga hệ 10 năm, từ lớp 3 - 12 cho phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay.

Chúng ta không kỳ thị hay so sánh nặng nhẹ giữa bất kỳ ngoại ngữ nào, nhưng tất cả việc dạy và học cho học sinh đều nên xuất phát từ chính lợi ích cũng như nguyện vọng của các em và phụ huynh.

Thời gian tới, rất mong các đồng chí lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao tính khả thi của đề án này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.