Mỹ áp thuế nhập khẩu đối ứng 46%, hàng hoá Việt Nam sẽ đắt hơn Thái Lan, Ấn Độ,...10 - 20%

Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng với Việt Nam là 46%, trong khi Thái Lan chỉ bị áp mức 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...sẽ gây ra khó khăn rất lớn với hàng hoá Việt Nam.

Rạng sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố "bảng phong thần" những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trái với dự đoán của nhiều chuyên gia trong nước, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%.

Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị áp thuế như: Campuchia ở mức 49%, Thái Lan bị áp mức thuế 36%, Trung Quốc 34%, Đài Loan, Indonesia ở mức 32%.

Trong khi đó, Ấn Độ bị áp thuế ở mức 26%, Hàn Quốc bị áp thuế mức 25%, Nhật Bản , Malaysia bị đánh thuế ở mức 24%, Liên minh châu Âu chịu mức thuế 20%.

Ông Trump cũng tuyên bố ông sẽ áp dụng mức thuế quan tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và đánh thuế cao hơn đối với khoảng 60 nền kinh tế có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ.

Thuế nhập khẩu tối thiểu sẽ có hiệu lực sau nửa đêm ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ chính thức có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng ngày 9/4.

Bình luận về động thái của chính quyền ông Trump, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Anh cho rằng, mức thuế ban đầu mà Mỹ áp với Việt Nam tệ hơn so với dự báo của giới phân tích. Điều này sẽ khiến nhiều thị trường sẽ bị bất ngờ.

Bên cạnh đó, giới phân tích chính trị tin rằng sẽ có trả đũa từ các quốc gia bị áp thuế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã khuyên các nước khoan trả đũa thuế quan, chờ đàm phán. Theo lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nếu các nước không trả đũa, các mức thuế quan mà ông Trump công bố sẽ không tăng cao thêm nữa.

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn dự báo, các cuộc thương thảo với chính quyền Trump sẽ diễn ra ráo riết hơn nhưng khoảng cách quá xa để về mức một số nước muốn, cho nên có thể trả đũa sẽ diễn ra sớm hơn. Điểm đáng nói, là con số 90% thuế mà Việt Nam áp hàng nhập khẩu Mỹ mà ông Trump công bố và vấn đề "thao túng tiền tệ và rào cản thương mại" mà ông Trump nói khi công bố thuế của Việt Nam.

"Không loại trừ khả năng đây có thể là một chiêu 'trả giá', ông Trump thường đưa ra các 'chiêu bài' áp thuế quan cao để đàm phán và sau đó hạ xuống. Và nếu thị trường phản ứng quá tệ, Mỹ có thể sẽ dùng đến 'chiêu bài' danh sách hàng hóa ngoại lệ", ông Tuấn nói.

Hàng hoá Việt Nam sẽ đắt hơn đối thủ 10 - 20%

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: VCCI).

Trong trường hợp đến ngày 9/4 mà ông Trump không thay đổi quyết định, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang sẽ chịu tác động rất lớn bởi bị áp mức thuế cao hơn, giá hàng hoá sẽ cao hơn các đối thủ.

Phân tích kỹ hơn về việc ông Trump áp mức thuế nhập khẩu đối ứng 46% lên hàng hóa từ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, do Việt Nam bị áp thuế đối ứng cao hơn nhiều so với các đối thủ nên tác động sẽ là rất lớn.

"Trước đây, có người cho rằng Mỹ áp thuế Việt Nam cũng không vấn đề gì, vì Mỹ cũng sẽ áp thuế tương tự đối với nước khác, nên hàng của Việt Nam cũng sẽ không bị giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên, điều tồi tệ đã diễn ra khi mà mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn chúng ta", ông Đức nói.

Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng với Việt Nam là 46%,tương đương với Campuchia, Lào, Sri Lanca, Trung Quốc, trong khi Thái Lan chỉ bị áp mức 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...

Như vậy, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10 - 20% so với đối thủ chính, chuyên gia ước tính.

"Giả sử kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ không đổi, khoảng 119 tỷ USD mỗi năm, thì hàng hóa của chúng ta sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỷ USD tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam. Các mặt hàng chịu thiệt hại chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giầy, nội thất...", ông Đức phân tích.

Đặc biệt là với mức thuế cao hơn 10 - 20% hàng hoá của Việt Nam cũng sẽ tăng cao và khó cạnh tranh với các quốc gia khác tại thị trường Mỹ, ngay cả khi các nhà sản xuất có giảm biên lợi nhuận, với mức chênh lệch cao như vậy, sự cạnh tranh về giá vẫn là vô cùng khó khăn.

Ông Trump công bố mức thuế đối ứng ngày 2/4 (theo giờ địa phương). (Ảnh: BBC).

Ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia KBSV từng đưa ra dự báo, nếu áp mức thuế đối ứng lên đến 11%, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 có thể giảm 0,7- 1,3 điểm % so với kịch bản không bị áp thuế. Trước đó, Goldman Sachs cũng dự báo GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5 điểm % nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%.

Tuy nhiên, với việc áp thuế đối ứng tới 46%, tăng trưởng GDP có thể sẽ bị ảnh hưởng cao hơn cả các mức kể trên.

Không chỉ thiệt hại với các nhà xuất khẩu Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, chính người dân và các nhà nhập khẩu của Mỹ cũng thiệt hại lớn. Việt nam là một trong những nhà cung cấp lớn cho Mỹ từ máy tính, điện thoại, tới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, quần áo, dày dép, nông thủy hải sản và nội thất,...

Vì vậy, khi đánh thuế cao với hàng hoá Việt Nam, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng về giá trước khi chuyển đổi sang một nhà cung cấp khác. 

chọn
Những nơi đang sốt đất theo tin sáp nhập
Thông tin về sáp nhập tỉnh, thành khiến đất nền tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang, Đồng Nai... lên cơn sốt giá. Theo chuyên gia, bên cạnh cơ hội lướt sóng thì rủi ro đi kèm là rất cao, nhà đầu tư không nên mạo hiểm bởi nếu không kịp thoát hàng sẽ lâm cảnh đu đỉnh, mắc cạn.