Theo thông báo từ NYSE, ba công ty China Mobile, China Telecom và China Unicom Hong Kong sẽ tạm ngừng giao dịch trong giai đoạn ngày 7 - 11/1/2021. Thủ tục hủy niêm yết ba công ty viễn thông Trung Quốc này hiện đã bắt đầu.
Các nhà quản lý quỹ đầu cơ định lượng như Renaissance Technologies, Dimensional Fund Advisors và Two Sigma Invesments là một số đông nắm giữ nhiều cổ phiếu của ba công ty trên nhất. Tuy nhiên, theo hồ sơ 13F, lượng cổ phiếu mà các quỹ này nắm giữ vào cuối tháng 9 không còn đáng kể.
Bloomberg cho biết, ba ông lớn viễn thông vừa rơi vào tầm ngắm còn niêm yết tại thị trường Hong Kong. Doanh thu của ba công ty này toàn bộ đến từ Trung Quốc và cả ba cũng không có ảnh hưởng lớn tại Mỹ, ngoại trừ việc được niêm yết trên NYSE.
Ngoài ra, so với trên sàn chứng khoán Hong Kong, cổ phiếu của China Mobile, China Telecom và China Unicom Hong Kong được giao dịch trên NYSE với số lượng khá hạn chế. Do đó, động thái hủy niêm yết ba công ty này tại thị trường Mỹ mang tính tượng trưng nhiều hơn, đặc biệt là khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Hồi tháng 11/2020, Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp cấm nhà đầu tư Mỹ rót tiền vào các công ty Trung Quốc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Mục đích của lệnh hành pháp mới là gây áp lực với chính quyền Bắc Kinh.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ "vu khống ác ý" các chính sách liên kết quân sự - dân sự của họ và tuyên bố sẽ đứng ra bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc. Quan chức Trung Quốc cũng đe dọa sẽ đáp trả chính quyền ông Trump bằng danh sách đen thương mại của họ.
Theo Bloomberg, lệnh hành pháp hồi tháng 11 của Washington khiến một loạt công ty Trung Quốc bị loại khỏi các chỉ số lớn do MSCI, S&P Dow Jones Global Indices và FTSE Russell thiết lập.
Tháng 5/2020, Ủy ban Viễn thông Mỹ (FCC) đã cấm China Mobile hoạt động tại thị trường Mỹ. Tháng 12, FCC ra lệnh cho các nhà mạng loại bỏ thiết bị do Huawei Technologies sản xuất và bắt đầu đánh giá liệu China Telecom có được phép hoạt động tại Mỹ hay không.
Trong hồ sơ giải trình gửi FCC ngày 8/6/2020, chi nhánh của China Telecom tại Mỹ cho biết họ là một doanh nghiệp độc lập có trụ sở tại Mỹ và không chịu sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
Hơn 10 năm qua, khá nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực Internet, dần lựa chọn niêm yết các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu, bao gồm NYSE và Nasdaq để mở rộng IPO.
Khi các công ty Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài niêm yết, sàn chứng khoán Hong Kong bắt đầu thay đổi các quy định trong vài năm qua để thu hút doanh nghiệp quay về.
Các công ty lớn như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group và JD.com đã niêm yết tại NYSE. Song, trong hai năm qua, họ bắt đầu niêm yết chéo tại Hong Kong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trên nhiều lĩnh vực như thương mại và đại dịch Covid-19.