Một nhà máy ở thành phố Từ Châu - Trung Quốc thuê thêm 100 công nhân để sản xuất cần cẩu xây dựng khổng lồ. Gần đó, tại nhà máy ngổn ngang khác, nhân viên làm việc đến nửa đêm để lắp ráp máy khoan và đào hầm. Ở một nơi cũng gần đó, một nhà máy sản xuất xe ben đã đủ đơn hàng cho năm tới.
3 nhà máy đều thuộc Tập đoàn máy móc xây dựng Từ Châu (XCMG) - một tập đoàn công nghiệp nhà nước chuyên sản xuất các máy móc phục vụ cho sự bùng nổ xây dựng mới nhất của Trung Quốc.
XCMG là trung tâm của chiến lược Bắc Kinh, nhằm vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch, bằng cách lập lại chiến lược họ luôn áp dụng. Đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Có vẻ như Trung Quốc đã kiểm soát cơ bản Covid-19 trong lãnh thổ nội địa. Nhưng tình hình ở nước ngoài đã giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của đại lục, bao gồm cả xe tải và máy móc tại Từ Châu.
4 thập kỉ qua, thị trường nước ngoài đã giúp Trung Quốc tăng trưởng nhanh. Nhưng giờ đây, họ phải kinh doanh với chính họ. Một lần nữa, Bắc Kinh đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, sử dụng hàng triệu lao động để xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, hệ thống nước thải mới và sản xuất các thiết bị cần thiết cho những dự án đó.
"Năm nay là một năm rất tệ đối với các hợp đồng ở nước ngoài và tôi không thể đi đâu", ông Vincent Cao, Giám đốc XCMG nói. Bất chấp những hạn chế đó, ông nhận thấy kinh doanh vẫn đang thăng hoa.
Chiến lược dường như phát huy tác dụng trong thực tế. Các khoản đầu tư lớn đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên hồi phục sau khi dịch bùng phát, với sản lượng tăng 3,2% giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kì năm ngoái. Nền kinh tế Trung Quốc hồi sinh ngay lúc châu Âu đang chìm suy thoái mạnh hơn so với dự kiến ban đầu và kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn.
Hàng loạt chiến dịch đầu tư trước đây đã để lại cho Trung Quốc một số cơ sở hạ tầng tốt nhất trên thế giới, bao gồm cả tàu cao tốc nhanh nhất và cầu biển dài nhất. Nhưng cú hích mới nhất đang đồng hành với rủi ro, khiến Trung Quốc gặp thách thức với những phần đang suy thoái còn lại của nền kinh tế.
Nợ nần lớn hơn là hệ quả của việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, việc trả lãi cho tất cả khoản nợ đó có thể là lực cản cho tăng trưởng trong tương lai.
Ngoài ra, một số nhà kinh tế Trung Quốc nhận định quốc gia đông dân nhất thế giới không cần nhiều cụm từ phá kỉ lục, mà sẽ hưởng lợi từ các chương trình khiêm tốn, như xây dựng các tuyến cống thoát nước tốt hơn gần nhà của người dân. Vấn đề là dù cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, những dự án hạ tầng "nhỏ nhoi" như thế không thể mang đến vinh quang hay phần thưởng chính trị cho các quan chức địa phương.
"Nền công nghiệp Trung Quốc đã phát triển mạnh bằng cách xây dựng các dự án hàng đầu của đất nước, chứ không nhờ cải thiện các tuyến cống thoát nước trong khu phố". Wang Min, Chủ tịch XCMG, bình luận. Vì thế, ông muốn tạo ra những cỗ máy lớn cho các dự án quy mô.
Vì thế, khi nhận thông báo về dự án nước thải ở Từ Châu, ông Wang không tỏ ra hào hứng. "Tất cả doanh nghiệp đều có thể sản xuất loại máy xúc này. Vì vậy, chúng tôi không thể có bất kì lợi thế cạnh tranh nào. Nếu xét về các máy đào quy mô lớn, XCMG có lợi thế", ông khẳng định.